Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Sản xuất thuốc lá tại Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài?

Công ty e là công ty Hàn Quốc muốn mở công ty sản xuất thuốc lá tại Việt Nam thì có được phép hay không? Nếu được thì bằng hình thức nào? Nếu được phép đầu tư và mở cty thuốc lá tại Việt Nam thì công ty e có được phép bán sản phẩm cho thị trường tại Việt Nam hay không?
Sản xuất thuốc lá tại Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài?
Kinh doanh thuốc lá

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thuốc lá là mặt hàng hạn chế kinh doanh tại Việt Nam được quy định trong danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP.

Về việc đầu tư sản xuất thuốc lá tại Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài

Theo quy định tại điều 25 Nghị định số: 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá:

"Điều 25. Đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm thuốc lá

1. Điều kiện đầu tư, hợp tác với nước ngoài để sản xuất thuốc lá:

a) Đầu tư sản xuất sản phẩm thuốc lá phải phù hợp với Quy hoạch sản xuất sản phẩm thuốc lá và vùng nguyên liệu thuốc lá được phê duyệt;

b) Đầu tư trên cơ sở liên doanh, hợp tác với doanh nghiệp đã có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá để đổi mới công nghệ, thiết bị, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm;

c) Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối trong vốn điều lệ của doanh nghiệp (trong trường hợp đầu tư theo hình thức liên doanh);

d) Đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 17 của Nghị định này;

đ) Được Thủ tướng Chính phủ cho phép trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương".

Do đó để có thể kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài cần phải liên doanh với 1 doanh nghiệp có vốn nhà nước (trong trường hợp liên kết kinh doanh) hoặc đầu tư theo hình thức mua lại thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Do vậy, công ty Hàn Quốc của bạn sẽ không thể thành lập 1 doanh nghiệp mới 100% vốn nước ngoài để có thể kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam.

Về trình tự, thủ tục đầu tư được quy định tại khoản 2 điều 25 Nghị định này:

"2. Trình tự, thủ tục đầu tư nước ngoài theo hình thức liên doanh sản xuất sản phẩm thuốc lá:

a) Các bên liên doanh gửi hồ sơ dự án thành lập liên doanh, hợp đồng liên doanh kèm theo văn bản đề nghị về Bộ Công Thương;

Văn bản đề nghị bao gồm các nội dung chính: Tên dự án, địa điểm, thông số kỹ thuật chủ yếu có liên quan, phạm vi và mục tiêu hoạt động, quy mô, sản lượng sản xuất từng loại sản phẩm thuốc lá, hiệu quả của dự án, phương án đầu tư máy móc thiết bị và xử lý các máy móc thiết bị được thay thế.

b) Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và văn bản đề nghị của doanh nghiệp, Bộ Công Thương xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời doanh nghiệp;

c) Sau khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, các bên liên doanh mới được triển khai đăng ký thành lập liên doanh theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư.

3. Trình tự, thủ tục đầu tư nước ngoài theo hình thức hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá:

a) Các bên gửi hồ sơ hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp hoặc hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp kèm theo văn bản đề nghị về Bộ Công Thương. Văn bản đề nghị bao gồm các nội dung chính của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp hoặc hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; quy mô, sản lượng sản xuất từng loại sản phẩm thuốc lá, hiệu quả của dự án, phương án đầu tư máy móc thiết bị và xử lý các máy móc thiết bị được thay thế (nếu có);

b) Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và văn bản đề nghị của doanh nghiệp, Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời doanh nghiệp;

c) Sau khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, các bên mới được triển khai thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp hoặc hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

4. Doanh nghiệp phải báo cáo Bộ Công Thương kết quả xử lý máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá không còn sử dụng hoặc thanh lý khi đầu tư chiều sâu và chịu hoàn toàn trách nhiệm với việc xử lý này".

Về việc phân phối sản và bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam

Khi đã được phép kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam theo 1 trong 2 hình thức trên thì doanh nghiệp kinh doanh này sẽ được phân phối và bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam theo quy định điều 23 Nghị định số 67/2013/NĐ-CP:

"Điều 23. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá

Ngoài các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá còn có các quyền và nghĩa vụ sau:

1. Được tổ chức hệ thống phân phối, bán buôn sản phẩm thuốc lá do doanh nghiệp sản xuất và được bán lẻ sản phẩm thuốc lá trực tiếp tại hệ thống cửa hàng trực thuộc của doanh nghiệp theo đúng quy định mà không phải đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá.

2. Được phân phối sản phẩm thuốc lá do doanh nghiệp sản xuất ra (trực tiếp hoặc thông qua chi nhánh hoặc công ty trực thuộc) để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép phân phối, bán buôn sản phẩm thuốc lá.

3. Phải công bố tiêu chuẩn cơ sở về sản phẩm và bảo đảm sản phẩm thuốc lá của doanh nghiệp phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá".

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169