Rút đơn yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn, trường hợp bạn thắc mắc chúng tôi nghiên cứu trả lời như sau:
Tại điều 361 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29, các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31, các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 của Bộ luật này. Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự.”
Việc rút đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự không được quy định trong phần thủ tục giải quyết việc dân sự nên phải áp dụng quy định trong phần thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Cụ thể:
Khoản 3 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“3. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:
a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
d) Đưa vụ án ra xét xử.”
Như vậy trong giai đoạn chuẩn bị xét xử Tòa án sẽ phải ra một trong các quyết định theo quy định tại Khoản 3 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nêu trên, trong đó có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tương tự, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử việc dân sự thì Tòa án cũng có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự khi người yêu cầu rút đơn khởi kiện theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự:
“c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;”
Điều 364 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về việc trả lại đơn yêu cầu
“1. Tòa án trả lại đơn yêu cầu trong những trường hợp sau đây:
a) Người yêu cầu không có quyền yêu cầu hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
b) Sự việc người yêu cầu yêu cầu đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;
c) Việc dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;
d) Người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 363 của Bộ luật này;
đ) Người yêu cầu không nộp lệ phí trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 4 Điều 363 của Bộ luật này, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp lệ phí hoặc chậm nộp vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
e) Người yêu cầu rút đơn yêu cầu;
g) Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Khi trả lại đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại việc trả lại đơn yêu cầu được thực hiện theo quy định tại Điều 194 của Bộ luật này.”
Khi Tòa đã thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì bạn vẫn có thể rút đơn yêu cầu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử việc dân sự. Sau khi bạn rút đơn yêu cầu thì Tòa án sẽ trả lại đơn yêu cầu và các chứng cứ bạn nộp kèm theo và ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Rút đơn yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất