Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quyền yêu cầu ly hôn khi chồng bị mất năng lực hành vi dân sự

Khi hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được, pháp luật cho phép vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án ly hôn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là một trong hai bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự. Dưới đây là một số nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề này thông qua những tình huống cụ thể trên thực tế.

Nội dung đề nghị tư vấn: Kính chào Luật sư, cho tôi hỏi quy định về ly hôn khi một bên mất năng lực hành vi dân sự như sau: Tôi 39 tuổi, có gia đình và có một con trai.Chồng tôi 40 tuổi, bị tai nạn giao thông cách đây 1 năm. Hiện tại, chồng tôi bị liệt nửa người, thần kinh không ổn định lúc nhớ lúc quên. Tôi và gia đình đã đi nộp hồ sơ tuyên bố cho chồng tôi bị mất năng lực HVDS. Toà án đang thụ lý và đã mời tôi và mẹ chồng đến toà để ghi tờ khai. Khi chồng tôi bị tai nạn, tôi đi làm và nuôi con nên việc chăm sóc chồng tôi do gia đình chồng lo liệu. Tôi chỉ hỗ trợ khi có thời gian rãnh lúc  lễ, tết, cuối tuần hay buổi tối khi đi làm về... Chi phí nuôi dưỡng và điều trị bệnh ở các bệnh viện do tôi lo liệu, chỉ khoảng 4 tháng nay tôi không chu cấp cho gia đình chồng để lo cho chồng tôi vì tôi đang thất nghiệp. Tôi có nhờ một người em chồng lo cho chồng tôi, chi phí trên tôi sẽ trả lại khi tôi có việc làm mới. Nếu cần, tôi sẽ bán tài sản để trả. Mẹ chồng bắt tôi ly hôn và chia tài sản với chồng tôi. Tôi không đồng ý vi còn tình cảm với chồng tôi. Cách đây 4 tháng vì không thống nhất trong việc chăm sóc chồng nên gia đình chồng làm áp lực để đưa chồng tôi về nhà chồng ở đến nay. Mẹ chồng tôi có ý xua đuổi khi tôi đến thăm và khi tôi muốn đưa chồng tôi về nhà chăm sóc thì mẹ chồng tôi không cho.

 Tôi xin hỏi: 

1. Mẹ chồng tôi có quyền buộc tôi ly hôn không?

2. Nếu tôi không có thu nhập để sống thì tôi có thể bán tài sản trong lúc này được không (tài sản do hai vợ chồng đứng tên và chồng tôi không thể ký tên được)?

3. Nếu sau khi toà tuyên bố chồng tôi mất NLHVDS thì tôi có thể làm người giám hộ cho chồng tôi không? Điều kiện để làm người giám hộ là gì? Tôi không có thu nhập nhưng có tài sản thì có đủ điều kiện làm người giám hộ không?

4. Mẹ chồng tôi có quyền nộp đơn để làm người giám hộ không? Bà năm nay hơn 70 tuổi và không có thu nhập ổn định.

Trả lời : Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, trường hợp bạn hỏi chúng tôi nghiên cứu tư vấn như sau:

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quan hệ hôn nhân được hình thành trên nguyên tắc tự nguyện. Chính vì việc kết hôn được các bên tự nguyện xác lập nên việc ly hôn cũng sẽ được giải quyết theo cơ chế tự nguyện. Kể cả khi mẹ chồng bạn là người đại diện của chồng bạn thì theo Điều 85 quy định về Người đại diện tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau: 

"Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện."

Trong đó, Khoản 2, Điều 51 – Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

"Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ."

Do vậy, chỉ trong trường hợp chồng bạn không thể nhận thức, làm chủ được hành viđồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đìnhlàm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của anh này, thì mẹ của chồng chị mới có quyền đại diện cho chồng chị gửi đơn yêu cầu giải quyết ly hôn đến Tòa án. 

Theo như điều 35 luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung:

Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Như vậy trong trường hợp này bạn chưa thể bán tài sản chung của vợ chồng bạn được mà cần có sự đồng ý của chồng bạn. Tuy nhiên sau khi Tòa án tuyên bố chồng bạn mất năng  lực hành vi dân sự thì theo Khoản 1 Điều 53 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

Do đó, với tư cách là người giám hộ của chồng thì bạn có quyền quản lý và định đoạt khối tài sản chung đó nhưng phải đảm bảo quyền và lợi ích của người được giám hộ, sử dụng tài sản đó để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của người được giám hộ là chồng bạn.

Sau khi toà tuyên bố chồng bạn mất NLHVDS , theo quy định của khoản 1 Điều 53 BLDS 2015 quy định “Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.” Như vậy bạn đương nhiên là người giám hộ của chống bạn nếu đáp ứng đủ những điều kiện tại điều 49 – BLDS 2015:

Điều 49. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ

Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

4. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. 

Như vậy chỉ khi bạn không còn là người giám hộ của chồng bạn do không đủ điều kiện quy định tại Điều luật trên thì mẹ chồng bạn mới có thể là người giám hộ của chồng bạn.

- Tư vấn về ly hôn khi vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự

Câu hỏi: Chào các luật sư, tôi có một sự việc cần tư vấn như sau. Bạn của tôi năm nay 34 tuổi đã có hai con sinh năm 1998 và sinh năm 2001. Năm 2014 bạn tôi bị một bệnh về não, không thể nhận thức được hành vi của mình và đã được tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. 

Khi thấy vợ mình bị bệnh, anh chồng của bạn tôi không chăm sóc vợ mà còn ngoại tình và có con riêng. Mẹ của bạn tôi rất bức xúc và gửi đơn xin yêu cầu thay đổi người giám hộ đương nhiên lên phường và tòa án nhưng không được giải quyết. Mẹ tôi đã thỏa thuận yêu cầu ly hôn nhưng anh chồng không chịu, vậy cần phải làm gì để có thể ly hôn. Và bây giờ mẹ của bạn tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi cho bạn của tôi. Tôi rất bức xúc thay cho bạn mình vì vậy mong sớm nhận được sự tư vấn từ các luật sư!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi đã tư vấn như sau:

Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cha mẹ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp sau:

Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn và Điều 85. Người đại diện theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự 2015: (đã trích dẫn tại phần tư vấn trên)

Đối với trường hợp này, người vợ đã được tuyên mất năng lực hành vi dân sự nhưng cần có thêm điều kiện người này đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do người chồng gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người đó. Theo đó, cha mẹ sẽ là người đại diện theo pháp luật để thực hiện quyền khởi kiện thay cho người vợ trong trường hợp này.

Hồ sơ li hôn nộp cho Tòa án bao gồm:

- Đơn xin li hôn

- Giấy đăng kí kết hôn

- Bản sao giấy chứng minh nhân dân

- Các tài liệu chứng minh đại chỉ cư trú của các bên

- Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169