Nguyễn Ngọc Ánh

Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong việc định đoạt tài sản chung

Nội dung yêu cầu: Luật sư cho tôi hỏi về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với khối tài sản chung như sau: Năm 2011, Ông nội tôi có viết giấy tờ tay cho em gái của ông 1 diện tích đất ở tại nông thôn là 60m2, có chữ ký của 3 người làm chứng. Giấy này sau đó được Ông chủ tịch xã ký và đóng mộc đỏ lên. Nhưng bà nội tôi và các con cháu không đồng ý. Sổ đỏ đất này do cả 2 ông bà đứng tên.

 

Tôi hỏi ý kiến một số người thì được biết nếu bà không đồng ý thì ra pháp luật chỉ giải quyết cho người kia được 50% diện tích đất, tức là 30m2. Như vậy, tôi muốn luật sư một số câu hỏi như sau:

- Giấy tờ tay kia có hiệu lực pháp luật khi đưa ra toà hay không?

- Bây giờ ông nội tôi đổi ý, không cho nữa thì giấy tờ tay đó có hiệu lực pháp luật hay không ?

- Nếu ông vẫn đồng ý cho, bà thì không thì pháp luật sẽ giải quyết trường hợp này như thế nào?

- Với 30m2 (hoặc 60m2 ) thì có tách sổ đỏ riêng được hay không ?

Xin cảm ơn sự tư vấn của luật sư!

 

Trả lời:

 

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

 

Theo như anh trình bày, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên của cả hai ông bà. Theo quy định của pháp luật thì quyền sử dụng thửa đất trên là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng.

 

Điều 213 BLDS 2015 quy định về sở hữu chung của vợ chồng như sau:

Điều 213. Sở hữu chung của vợ chồng

 

1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.

 

2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

 

3. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 213 nêu trên thì ông bà của anh có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

 

Hơn nữa, theo quy định tại điều 210 BLDS 2015 thì sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung. Vì vậy, sẽ không có trường hợp bà không đồng ý thì người em của ông sẽ được nhận 50% diện tích đất đã tặng cho theo hợp đồng tặng cho đã ký kết; mà hợp đồng sẽ vô hiệu toàn bộ nên em của ông sẽ không nhận được bất cứ một phần đất nào.

 

Thứ nhất, nếu bà của anh không đồng ý tặng cho thửa đất trên thì hợp đồng sẽ không phát sinh hiệu lực pháp lí. Để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự thì các bên có thể gửi đơn khởi kiện tới Tòa án yêu cầu tuyên giao dịch vô hiệu.

 

Thứ hai, về bản chất thì hợp đồng trên vô hiệu, nên không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của ông anh. Tức ông anh có đồng ý hay không đồng ý thì hợp đồng vẫn không phát sinh hiệu lực pháp lí.

 

Bởi hợp đồng tặng cho bị vô hiệu, nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không dựa vào đây để tiến hành thủ tục tách thửa, sang tên.

 

Tuy nhiên, diện tích 30 m2 hay 60 m2 mới được tách thửa thì phải dựa vào quyết định của UBND tỉnh quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa ( mỗi địa phương sẽ quy định khác nhau dựa trên thực trạng đất đai của từng địa phương).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong việc định đoạt tài sản chung. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
Luật gia Nguyễn. N. Ánh - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169