Luật sư Phùng Gái

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự?

Câu hỏi tư vấn: Hiện nay tôi là nguyên đơn của một vụ án dân sư, trước tôi có làm ủy quyền cho cháu gái C thay tôi tham gia việc tố tụng do tôi không tiện đi lại nhiều. Tuy nhiên sắp tới cháu tôi phải qua nước ngoài định cư nên tôi đã làm thêm ủy quyền cho một luật sư A để tiện thay thế cháu tôi - ủy quyền của tôi cho cháu đã nộp lên tòa và chưa bị hủy.

 

Hiện nay bên văn phòng tư vấn bảo muốn làm kèm thêm 1 luật sư B, phòng trường hợp luật sư A bận việc vắng mặt và muốn cháu tôi phải hủy ủy quyền, vì trên tòa tư vấn bảo, ủy quyền cho luật sư A không phải là ủy quyền duy nhất - nếu là ủy quyền duy 1 thì cháu tôi không cần hủy ủy quyền và không cần có mặt., còn như không có câu đó trong hợp đồng thì các ủy quyền phải có mặt.

 

Vậy quý công ty cho tôi hỏi việc văn phòng luật sư tư vấn bảo muốn làm kèm thêm 1 luật sư B thì phải hủy ủy quyền của cháu tôi, còn như không thì sau này ra tòa luật sư A, B và cháu tôi phải đều có mặt có đúng quy định pháp luật? Chân thành cám ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo ủy quyền. Cụ thể:

 

Điều 86. Quyền, nghĩa vụ của người đại diện

 

1. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện.

 

2. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền.

 

Như vậy, trong trường hợp này bạn có thể ủy quyền cho nhiều người để tham gia tố tụng dân sự, những người được ủy quyền sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ của đương sự trong phạm vi nội dung ủy quyền ghi nhận. Theo đó, việc bạn ủy quyền thêm cho luật sư A và luật sư B để tham gia thì không bắt buộc phải tiến hành hủy ủy quyền đối với người cháu tên C của bạn. Tuy nhiên, để xác định thời điểm có lệnh triệu tập của Tòa án có bắt buộc tất cả người ủy quyền đều phải có mặt hay không thì căn cứ quy định sau để giải quyết. Cụ thể:

 

Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

 

 

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

 

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

 

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

 

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

 

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

 

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

 

d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;

 

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

 

Điều 228. Xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa

 

Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:

 

1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

 

2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa.

 

3. Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật này.

 

Theo đó, vì bạn đã ủy quyền cho cả 3 đối tượng là cháu C, luật sư A và luật sư B để thay bạn tham gia quan hệ tố tụng nên về nguyên tắc khi có thông báo triệu tập của Tòa án thì cả 3 người được ủy quyền trên đều phải có mặt, trừ trường hợp có lý do mà không tham gia được thì có thể làm đơn xin xét xử vắng mặt. Do đó, khi đã có đơn xin xét xử vắng mặt  (cháu C vì ra nước ngoài định cư nên không tiếp tục tham gia được và gia đình cũng không muốn làm thủ tục hủy văn bản ủy quyền này thì thời điểm có thông báo của Tòa thì người cháu có thể làm đơn xin xét xử vắng mặt là được).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

CV P.Gái - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo