Cà Thị Phương

Quyền nuôi con sau khi ly hôn được qui định như thế nào khi con trên 18 tuổi?

Luật sư tư vấn vấn đề đơn phương ly hôn, quyền nuôi con sau ly hôn và nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn. Nội dung tư vấn như sau:

Câu hỏi tư vấn:

Chào luật sư. Hiện ba và mẹ tôi chung sống với nhau được 20 năm và được 2 con, tôi 18 tuổi còn em tôi 16 tuổi, ba tôi thì ngoại tình bên ngoài với cô gái khác và kiếm cớ nhiều lần ra chỗ cô gái khác, cô gái đó cũng đã ly hôn với chồng và có một con, ba tôi đã đút đơn 2 lần nhưng mẹ tôi không ký, nhưng lần này ba tôi muốn ly hôn đơn phương, dù nội tôi không cho ba ly hôn vì sợ ly dị thì không ai lo cho bà, ba tôi thì suốt ngày đi nhậu với cờ bác tới tối thậm chí tới khuya mới về, nội tôi đòi tự tử nếu ba tôi ly hôn nhưng ba tôi vẫn quyết, còn mẹ tôi thì nếu sau khi ly hôn thì không có nhà ở, họ hàng đều đã có chồng và vợ, mẹ tôi lại không có nhiều tiền. Mong luật sư có cách nào để không xảy ra ly hôn nhưng vẫn sống ly thân như bình thường được không ạ! Và nếu ly hôn thì tôi và em tôi theo mẹ thì có được cấp dưỡng ăn học không ạ?  Chứ tôi theo ba tôi thì lại phải rầu ổng theo gái với lại không mẹ. Mong luật sư tự vấn giúp tôi. Sống ly thân thì lại vui hơn đối với tôi, với lại chẳng có chuyện gì. Nội tôi cũng có người chăm sóc và tôi thì học tốt hơn! Cảm ơn luật sư ạ!  

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất đối với vấn đề đơn phương ly hôn

Tại Điều 51 và Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định vấn đề ly hôn đơn phương như sau: 

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồnga do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.” 

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên 

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Trong trường hợp của gia đình bạn, nếu bố bạn có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì ba ban hoàn toàn có quyền yêu cầu Toà giải giải quyết cho ly hôn mà không cần mẹ bạn ký vào Đơn ly hôn.

Pháp luật hiện hành không có qui định về ly thân, vợ chồng sống ly thân do hai bên tự do thỏa thuận. Trường hợp này, bạn nên tác động đến gia đình họ hàng để khuyên nhủ ba bạn suy nghĩ lại về vấn đề ly hôn của hai vợ chồng hoặc mẹ bạn có thể thoả thuận trực tiếp với bố bạn về vấn đề này để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho cả gia đình.

Thứ hai, đối với vấn đề nuôi con sau khi ly hôn

Về việc giành quyền nuôi con, trường hợp nếu ba mẹ không thỏa thuận được thì về theo pháp luật quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

“Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

Như vậy, pháp luật chỉ quy định sau ly hôn cha mẹ có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Đối với con đã thành niên (trên 18 tuổi) thì pháp luật không có quy định cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng hay cấp dưỡng sau khi ly hôn. Theo bạn trình bày thì ba mẹ bạn có 2 con chung là bạn đã 18 tuổi và em bạn 16 tuổi. Do đó, trong trường hợp này tòa chỉ giải quyết quyền nuôi con đối với em bạn, vì bạn đã trên 18 tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự nên pháp luật không giải quyết ai sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng bạn.

Thứ ba, về vấn đề cấp dưỡng

Căn cứ theo Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có qui định  về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.”

Trong trường hợp sau khi ly hôn mà mẹ bạn là người trực tiếp nuôi em bạn thì ba mẹ bạn có thể thoả thuận về vấn đề cấp dưỡng, mức cấp dưỡng cho các con. Nếu không thoả thuận được thì ba bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo qui định của pháp luật Hôn nhân và gia đình. Do bạn đã thành niên nên ba bạn chỉ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em của bạn cho tới khi em bạn đủ 18 tuổi (đủ tuổi thành niên). Ba bạn chỉ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đã thành niên nếu con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật định.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn