Lò Thị Loan

Quyền nuôi con sau khi chia tay mà không đăng ký kết hôn

Luật sư tư vấn về việc xác định quyền nuôi con sau khi chia tay giữa nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung câu hỏi tư vấn: Xin chào luật sư !Em có 1 vấn đề xin được tư vấn. Em và chồng em đã cưới nhau, nhưng chưa đăng kí kết hôn, mà chồng em muốn con em nhập vào hộ khẩu của chồng, vậy nếu như em cho con em nhập vào hộ khẩu chồng thì sau này vợ chồng em lỡ có chia tay thì nhà chồng có quyền nuôi con không, hay em được quyền nuôi con, mặc dù giấy khai sinh của con em có tên của chồng em. Em nghe nói luật mới tương lai sẽ bỏ hộ khẩu, như vậy nó có bị ảnh hưởng gì không. Thì lúc đó con em sẽ thành ở nhà chồng em luôn hay là thành tự do, ở đâu cũng như nhau.Và em cũng xin hỏi 1 vấn đề nữa là nếu vợ chồng không đăng ký kết hôn thì vợ sinh, có được hưởng chế độ bảo hiểm của chồng không.Xin luật sư giải đáp sớm cho em, xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về quyền nuôi con khi hai bạn không đăng ký kết hôn

Do hai bạn không đăng ký kết hôn nhưng có con chung ( đã làm thủ tục nhận cha, con tại UBND xã - ghi nhận họ tên của cha trên giấy khai sinh) thì được xác định là con chung của hai người. Nếu có tranh chấp về vấn đề nuôi con thì áp dụng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể như sau:

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.”

Theo đó, Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc giành quyền nuôi con sau khi ly hôn.

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, theo quy định thì sau khi hai bạn chia tay thì cả bạn và chồng bạn đều có quyền nuôi con. Hai bạn có thể thoả thuận về việc ai sẽ là người nuôi con sau khi chia tay, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.

Thứ hai, vấn đề hộ khẩu thường trú của con

Theo quy định tại Nghị quyết 112/NQ-CP (có hiệc lực ngày 30/10/2017) về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ công an, thì trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Bản chất của quy định mới về bãi bỏ sổ hộ khẩu là đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan để cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý dân cư một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện nay các bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề không sử dụng sổ hộ khẩu. Hơn nưã, việc bỏ sổ hộ khẩu không ảnh hưởng gì đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc con của hai bạn, nếu con chưa thành niên thì hai bạn vẫn có quyền, nghĩa vụ trong nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con bình thường, nếu con đã thành niên thì có thể theo nguyện vọng của con bạn sau này có cùng chung sống với hai bạn không.

Thứ ba, về chế độ thai sản

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con thì được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Trường hợp hai bạn chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng của hai bạn chưa được pháp luật thừa nhận, nên không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ vợ chồng giữa hai bạn. Do đó, chồng bạn không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với nam khi vợ sinh con.

Tuy nhiên, về trợ cấp một lần khi sinh con: Điểm a khoản 2 điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH quy định: "Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;" Như vậy, quy định chỉ nêu khi sinh con chỉ có cha tham gia BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng khi sinh con mà người mẹ không tham gia thì cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con là 2 lần mức lương cơ sở. Quy định không đề cập tới việc cha và mẹ của con có quan hệ vợ chồng hay không nên bạn có liên hệ tới cơ quan BHXH yêu cầu giải thích rõ quy định này và tiến hành giải quyết chế độ (nếu có).

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo