Trần Anh

Quyền nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Dạ, xin chào Luật Sư ạ! cho em hỏi về tranh chấp quyền nuôi con khi chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài như sau ạ: Em là người Việt Nam, thời gian trước em có qua bên Đài Loan lao động ở bên đó em có quen với một người bạn gái là người mang quốc tịch Đài Loan gốc Việt qua đó lấy chồng nhưng đã ly hôn đã có một bé gái với chồng trước, chúng em quen và sống với nhau được 2 năm thì cô ấy có em bé.

Do thời gian chung sống chung với nhau thường xuyên cãi vã ,không hòa hợp nên khi sinh cháu được một năm thì em xin về nước đưa cháu về Việt Nam nuôi từ đầu năm 2013 đến nay. Khi mang cháu về nước cô ấy cũng thi thoảng gọi điện về hỏi thăm và không có tiền phụ cấp nuôi cháu. Bây giờ em muốn làm thủ tục cho cháu về Việt Nam để tiện việc sinh sống và học tập cho cháu nhưng cô ấy không đồng ý mà muốn đem qua Đài Loan nuôi. Vậy cho em hỏi Luật Sư ? Em với cô ấy chưa đăng ký kết hôn thì có được quyền nuôi con không ? Có được nhập quốc tịch cho cháu về Việt Nam không? Nếu được em phải làm gì ạ ? Xin Luật Sư vấn cho em, em xin cảm ơn!

Trả lời

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Thứ nhất, về quyền nuôi con của bạn.

Theo quy định Điều 130 Luật Hôn nhân và gia đình, quan hệ nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng các quy định của Luật này và các luật khác có liên quan của Việt Nam để giải quyết.

Do đó, đối với trường hợp nam nữ không đăng ký kết hôn mà có con thì quyền nuôi con sẽ được giải quyết theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Điều 15 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định:

“Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”.

Tính đến thời điểm này con của bạn được 4 tuổi cho nên việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con  được giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình :

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con…”.

Do đó, mặc dù hai bạn chưa đăng ký kết hôn nhưng khi hai bạn đã đạt được thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con là bạn hoặc nếu không thỏa thuận được thì khi bạn đủ điều kiện nuôi con mà được Tòa án quyết định giao con cho bạn trực tiếp nuôi thì bạn có quyền nuôi con của mình.

Thứ hai ,về vấn đề quốc tịch của con bạn:

Khoản 2  Điều 16 Luật Quốc tịch quy định quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam như sau :

“2. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con…”

Như vậy, để con bạn có quốc tịch Việt Nam thì bạn và người bạn gái của bạn phải thỏa thuận cho con mang quốc tịch Việt Nam vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con theo quy định trên của pháp luật.

Thứ ba, về thủ tục:

Khoản 2 Điều 18 Nghị định 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ quy định về điều kiện nhận con như sau: “Trong trường hợp người được nhận là con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của người đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự”. Như vậy, để bạn thực hiện thủ tục nhận con thì cầnphải có sự đồng ý  của bạn gái bạn (bằng văn bản) gửi kèm hồ sơ nhận con đến Sở Tư pháp.

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 24/2013/NĐ-CP thì hồ sơ nhận con bao gồm các giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con (theo mẫu quy định);

- Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân, như Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước);

- Bản sao Giấy khai sinh của cháu bé (nếu có);

- Căn cứ chứng minh quan hệ cha, con (nếu có);

Sau đó, Tiến hành đăng ký khai sinh theo quy định sau của pháp luật:

Điều 50. Thủ tục đăng ký khai sinh

1. Người đi đăng ký khai sinh nộp Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ trẻ em có đăng ký kết hôn).

Trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con, thì phải có giấy thỏa thuận của cha và mẹ về việc chọn quốc tịch. Giấy thoả thuận về việc chọn quốc tịch phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của nước đó.

2. Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp một bản chính Giấy khai sinh cho người đi khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Quyền nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169