Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi
Mục lục bài viết
Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn
Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn như sau:
Khi ly hôn vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyề lợi về mọi mặt của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Nội dung yêu cầu tư vấn: Tôi năm nay 28 tuổi, đã lấy chồng và có con 27 tháng tuổi. Tôi quê Bắc Ninh, lấy chồng quê Thanh Hóa và đã chuyển hộ khẩu về quê chồng. Sau khi cưới chúng tôi ở trọ tại Hà Nội. Sau đó chúng tôi ly thân khi con 15 tháng tuổi. Tôi và chồng đã li thân được 1 năm và chồng chuyển về Thanh Hóa sống được 8 tháng, còn tôi làm tại Hà Nội.Chồng tôi trước khi chuyển về HN thì làm công việc văn phòng lương 4 triệu/tháng, còn tôi lương 7 triệu/tháng, sau khi li thân gia đình chồng có xin cho chồng về quê làm ngân hàng với mức lương 7 triệu/tháng, còn tôi lương 8 triệu/tháng, nhưng tôi vẫn đang ở nhà thuê còn chồng thì ở tại nhà của bố mẹ. 3 tháng trước chồng tôi có đưa con về Thanh Hóa với lý do về thăm ông bà nội 1 thời gian rồi sau đó tôi sẽ lại đón ra. Đáng nhẽ theo như kế hoạch trước thì tết âm này tôi sẽ đón con ra Hà Nội ở với mình. Nhưng tôi có phát hiện chồng mình đang tìm luật sư để ly hôn với tôi và đòi quyền nuôi con nhỏ. Anh/chị có thể tư vấn cho tôi biết để làm thế nào tôi có thể chủ động ly hôn và chắc chắn được quyền nuôi con không ạ? Tôi xin chân thành cảm ơn anh chị và mong nhận được tư vấn sớm nhất từ các anh/chị.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, với vướng mắc của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.” Như vậy, khi cuộc sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được… thì chị có thể làm đơn ly hôn đơn phương.
Căn cứ khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:“3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Theo thông tin chị cung cấp, hiện tại con của chị 27 tháng tuổi, đối chiếu với quy định tại nêu trên, quyền nuôi con sẽ thuộc về chị, trừ trường hợp chị không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP quy định “người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” quy định tại khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp người mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Do vậy, để chắc chắn quyền nuôi con thuộc về mình, chị cần chứng minh mình không thuộc các trường hợp được quy định nêu trên. Theo đó, chị phải chứng minh được khả năng tài chính của mình có thể trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con; đáp ứng thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con; không mắc các bệnh mà không thể tự chăm sóc cho bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trân trọng!
Phòng luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất