LS Vy Huyền

Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi của mẹ sau khi ly hôn

Luật sư tư vấn về trường hợp tranh chấp quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi vợ chồng ly hôn, cụ thể: Xin chào luật sư! Tôi 30 tuổi, hai vợ chồng tôi bằng tuổi nhau. Hiện tại chúng tôi có một con chung, cháu trai 19 tháng tuổi. Tôi muốn li hôn và chồng tôi cũng thuận tình, riêng việc nuôi con là chồng tôi không đồng ý cho tôi nuôi. Lí do tôi muốn li hôn như sau: Chúng tôi cưới nhau gần cuối năm 2014. Chồng tôi nghiện ma tuý, thời điểm đó đã cai được.

 

Nhưng sau cưới chồng tôi bị nghiện lại. Suốt thời gian mang thai, chồng tôi không hề quan tâm, chăm sóc gì tới tôi cũng như đứa con trong bụng. Chồng tôi hầu như bỏ nhà đi suốt, có khi 2-3 ngày mới về rồi lại đi. Tôi và gia đình đã khuyên bảo nhiều nhưng không được. Khi tôi sinh con (đẻ mổ) thì chỉ duy nhất 2 ngày anh chạy ra chạy vào. Sau khi mẹ con tôi được xuất viện, vừa ở cữ, vừa bị đau nhưng tôi vẫn 1 mình chăm con, anh không đoái hoài giúp tôi, nhiều lúc tôi cần hỗ trợ nhưng anh cũng không giúp. Tôi ở cùng bố mẹ chồng nên thi thoảng ông bà có giúp. Ở nhà chăm con được một năm thì tôi mới đi làm. Suốt một năm đó, việc chăm con cũng chỉ mình tôi, tiền lo cho con cũng là của tôi, tôi bị mất sữa từ tháng thứ 3 nên cháu phải dùng hoàn toàn sữa ngoài. Chồng tôi cũng chưa một lần đưa tiền cho tôi. Vợ con ốm đau anh cũng mặc kệ không hỏi thăm, quan tâm, chăm sóc. Anh không bao giờ quan tâm đến suy nghĩ của tôi. Cả ngày hầu như vợ chồng tôi không giao tiếp với nhau một câu, tôi có chủ động hỏi nhưng anh không bao giờ trả lời. Con tôi bị phế quản từ nhỏ, cứ thay đổi thời tiết là lại vào viện, anh mặc mẹ con tôi lo cho nhau. Anh còn cặp kè với người đàn bà hơn anh một giáp. Anh bảo muốn sống với người đàn bà đó chứ không phải tôi (việc này gia đình chồng tôi biết vì chuyện này có trước khi anh cưới tôi, nhưng bị gia đình phản đối vì người đàn bà đó đã li hôn và có 2 con gái lớn). Gần đây anh còn đánh tôi không tiếc tay. Tôi đã nhẫn nhịn rất nhiều mà không bao giờ to tiếng hay để xảy ra mâu thuẫn với chồng, tôi nghĩ tất cả cũng vì con. Nhưng anh ngày càng quá đáng, đi mấy ngày không về, sống không có trách nhiệm với gia đình, vợ con, về nhà là chui vào phòng hút hít, khói thuốc mù mịt, sặc mùi khắp phòng. Con tôi ốm, cần được nghỉ ngơi, tôi có bảo anh, nhưng anh khó chịu rồi lại đánh tôi. Tôi không thể nhẫn được nữa, cứ như này cuộc sống con tôi sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Hiện tại công việc của tôi là thu ngân, lương 3,5 triệu, chưa kể các khoản khác. Ngoài ra tôi còn bán hàng online thu nhập mỗi tháng trung bình 1-1,5tr. Nếu li hôn tôi có đầy đủ điều kiện nuôi con không? Quê tôi Phú Thọ, gia đình chồng tôi ở Hà Đông, chúng tôi đăng ký kết hôn và hiện tại sống ở Hà Đông, tôi làm việc gần nhà. Có một điều mà tôi đang lo lắng là gia đình chồng tôi có mối quan hệ rộng, bố chồng tôi lại là trưởng họ, con tôi là cháu đích tôn, tôi sợ việc không được nuôi con sẽ xảy ra. Nếu có thì tôi phải làm thế nào? Xin tư vấn giúp! Tôi trân trọng cảm ơn! Xin lỗi nếu thư của tôi quá dài và làm mất thời gian của luật sư!!!

 

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về công ty luật Minh Gia. Với yêu cầu trợ giúp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Theo Điều 81 – Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:


Điều 81: Việc trông nom, chăm sóc. nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

 

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.


2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.


3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

 

Con bạn mới 19 tháng tuổi, và bạn có đủ điều kiện nuôi dưỡng, giáo dục con (có công việc ổn định, làm việc gần nhà), vì vậy theo luật bạn sẽ là người trực tiếp nuôi con mà không cần thông qua sự đồng ý của chồng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi của mẹ sau khi ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng,

CV. Đoàn Quỳnh Thơ – công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169