Quyền đơn phương ly hôn của chồng khi vợ ngoại tình
Nội dung câu hỏi: Chào luật sư ! Nhờ luật sư tư vấn giúp cho trường hợp của tôi. Vợ chồng tôi cưới nhau năm 2008 và có 3 con chung. Đứa lớn sinh năm 2008, đứa thứ hai sinh năm 2014 và đứa thứ ba sinh năm 2016. Chúng tôi ở trọ, làm công nhân, lương cũng tạm đủ sống. Khoảng 2, 3 tháng gần đây, vợ tôi tham gia bán hàng đa cấp và thường cặp kè với một người đàn ông đã có gia đình. Đi đâu, làm gì, hai người cũng thường đứng cạnh ngồi kề và có những cử chỉ hết sức thân mật, chụp hình rồi đăng lên Facebook, Zalo. Vợ tôi thường xuyên nói dối tôi để đi lại với người đó, dưới dbạn nghĩa là đi công việc. Do nghi ngờ bị cắm sừng, tôi đã đánh đuổi cô ta ra khỏi nhà (trọ). Và cô ta đã ra ngoài thuê phòng trọ khác để sống, bỏ mặc con cái cho tôi lo. Dù không bắt được quả tang, nhưng qua những lần cô ta nói dối tôi, những tấm hình chụp cô ta thân mật thái quá với người đàn ông đó, tôi kết luận là cô ta đã ngoại tình. Vì thế tôi quyết định sẽ ly hôn cô ta. Vậy xin hỏi luật sư, nay tôi muốn đơn phương ly hôn vợ tôi và giành quyền nuôi cả 3 đứa con có được không, vì tôi thấy vợ tôi không đủ và tư cách để làm mẹ 3 đứa con của tôi? Xin cảm ơn luật sư!
Trả lời tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau
Thứ nhất, vấn đề quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
Theo Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ) về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn thì “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.
Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 51 Luật HN&GĐ 2014 thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, bạn có quyền đơn phương đơn ly hôn nếu không rơi vào trường hợp thuộc Khoản 3 Điều 51 Luật HN&GĐ.
Tòa án sẽ căn cứ vào các việc xác định mức độ trầm trọng trong hôn nhân của hai bạn để giải quyết ly hôn theo Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Thứ hai, vấn đề người trực tiếp ly hôn sau khi hôn
Theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì:
“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Như vậy, nếu 2 bên không thỏa thuân được việc nuôi con thì Tòa sẽ giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nghĩa là Tòa án sẽ xem xét đến việc người nào có khả năng đáp ứng về cả mặt vật chất và tinh thần cho con. Bạn cần chứng minh thu nhập hàng tháng của mình đủ để đáp ứng được về mặt vật chất cho con đồng thời phải chứng minh các yếu tố về mặt thời gian để có thể bên con. Đồng thời, bạn cần đưa ra chứng cứ để chứng minh vợ bạn không có đủ điều kiện bằng bạn
Tuy nhiên, nếu trong số các con của bạn có con nào 36 tháng tuổi thì Tòa án sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Sau khi con trên 36 tháng, ban có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất