Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định về việc trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích

Cố ý gây thương tích là hành vi cố ý xâm phạm thân thể, gây tổn hại cho sức khoẻ người khác dưới dạng thương tích cụ thể. Hành vi cố ý gây thương tích là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khoẻ của người khác.

 1. Luật sư tư vấn tội cố ý gây thương tích

Tội cố ý gây thương tích là tội phạm phổ biến ở nước ta hiện nay, hành vi phạm tội này gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác. Các nguyên nhân dẫn đến hành vi cố ý gây thương tích chủ yếu xuất phát từ các mẫu thuẫn, bất đồng giữa các cá nhân trên thực tế…

Hành vi cố ý gây thương tích không chỉ gây ảnh hưởng đến người thực hiện hành vi và ảnh hưởng đến sức khỏe người bị hại mà quan trọng hơn hành vi cố ý gây thương tích gây ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội. Hành vi cố ý gây thương tích tùy từng mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Để được tư vấn cụ thể các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi cố ý gây thương tích quý khách hàng hãy liên hệ với công ty Luật Minh Gia để được đội ngũ luật sư, chuyên viên tư vấn pháp luật giàu kinh nghiệm của chúng tôi tư vấn cụ thể về các vấn đề này, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

2. Quy định về việc trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích

Hỏi: Em bị người ta hành hung gây thương tích. Em đã tới cơ quan công an trình báo làm đơn tố cáo về việc người ta hành hung em gây thương tích. 

Em bị rách mi trên và mi trong xuất huyết giác mạc, giãn đồng tử đau ê ẩm 1 số chỗ, xưng phù nề phải điều khâu 4 mũi ở mắt và nằm điều trị. Nhưng em không nằm viện mà em điều trị tại nhà ra phòng khám tư nhân của bác sĩ về hưu điều trị giúp. Và cơ quan công an bảo em cung cấp bệnh án, nhưng em không nằm viện thì lấy đâu ra bệnh án, vậy em phải làm như thế nào ạ? Và em muốn giám định tổn thương sức khoẻ thì khi nào mới giám định được, khỏi mới đi giám định hay bây giờ đi giám định? Vì hiện tại em phải nằm bất động không được đi lại ạ. Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì hiện bạn đang điều trị bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nên không có bệnh án. Hiện nay, bạn cần làm giám định thương tật để biết mình bị thương tật bao nhiêu phần trăm.

Căn cứ theo quy định tại Điều 205 về Trưng cầu giám định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

1. Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 của Bộ luật này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.

2. Quyết định trưng cầu giám định có các nội dung:

a) Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định;

b) Tên tổ chức; họ tên người được trưng cầu giám định;

c) Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định;

d) Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);

đ) Nội dung yêu cầu giám định;

e) Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định.

3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; gửi quyết định trưng cầu giám định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Căn cứ theo quy định tại Điều 22  về Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp của Luật giám định tư pháp 2012 như sau:

1. Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

2. Người yêu cầu giám định có quyền:

a) Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;

b) Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;

c) Đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;

d) Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

3. Người yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;

b) Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.

4. Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Đối với trường hợp này của bạn, bạn có quyền yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành giám định thương tích của bạn do bị hành hung. Nếu như thấy việc giám định là cần thiết thì có quan điều tra sẽ tiến hành thủ tục trưng cầu giám định. Bạn nên giám định sức khỏe trong thời gian hiện tại để biết chính xác nhất về mức thương tật của mình và để cơ quan điều tra có cơ sở khởi tố người gây ra thương tích đối với bạn ra trước pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của bạn. Việc bạn không đi lại được không ảnh hưởng đến việc trưng cầu giám định. Gia đình bạn có thể thu xếp đưa bạn di giám định để xác định tỷ lệ thương tích một cách chính xác nhất.

Trân trọng

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169