LS Nguyễn Phương Lan

Quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ người khác

Luật sư tư vấn về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ người khác đối với trường hợp bị hàng xóm thuê người đánh gây thương tích thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội gì? Nội dung tư vấn như sau:

1. Tư vấn quy định về tội cố ý gây thương tích

Câu hỏi: Tôi bị một người hàng xóm cũ thuê 2 thanh niên lạ mặt đánh tôi gây thương tích tại vùng mặt cụ thể như sau: Sưng tím mặt phải, rách mặt phải khâu khỏang 7 mũi. Nguyên nhân: Tôi không hề gây xích mích với người hàng xóm này.

Xin hỏi: Tôi có quyền kiện người này ra tòa không và việc tôi bị thiệt hại về người thì người gây thiệt hại cho tôi sẽ phải bồi thường cho tôi như thế nào? Đối với tội danh gây rối trật tự công cộng , tổ chức đánh người sẽ phải sử phạt như thế nào? Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời: Chào anh, cảm ơn anh đã gửi yêu cầu tư vấn cho công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty tư vấn về trường hợp này của anh như sau:

Thứ nhất về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ người khác

Căn cứ theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

…”.

Với trường hợp của anh, anh cần giám định tỷ lệ thương tật để xác định trách nhiệm mà bên kia phải chịu; đồng thời anh nên tới cơ quan công an để trình báo về vấn đề này.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây thương tích

Căn cứ tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

"1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”.

Như vậy, ngoài vấn đề phải chịu trách nhiệm hình sự thì bên gây ra thương tích sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định trên. Về mức bồi thường các bên có thể thương lượng, thỏa thuận với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, có thể yêu cầu Tòa án xem xét và quyết định mức bồi thường dựa trên thiệt hại thực tế.

---

2. Tội cố ý gây thương tích theo quy định luật hình sự 2009 quy định thế nào?

Câu hỏi:

Em có đánh nhau với người đồng nghiệp lái taxi cùng hãng do nguyên nhân tranh giành khách nên xảy ra mâu thuẫn sau khi xảy ra việc em đã đến cơ quan công an và đầu thú và dao nộp con dao sau đó gia đình em có lo cho gia đình đền bù gia đình bị hại và bảo lãnh cho em tại ngoại và gia đình bị hại đã nhận đền bù rút đơn và viết đơn miễn truy cứu trach nhiệm hình sự đối với em nhưng cơ quan công an họ vẫn trưng cầu giám định dựa trên hồ sơ bệnh án của bị hại (mặc dù bị hại đã từ chối dám định) và tỷ lệ trên hồ sơ là 42% vậy xin luật sư tư vấn giúp em có phương pháp nào tốt nhất đối với tình hình hiện giờ của em không mong luật sư tư vấn giúp em em xin cảm ơn

Trả lời tư vấn:

Luật Minh Gia cảm ơn câu hỏi và đề nghị tư vấn của bạn. Sau đây là tư vấn của chúng tôi về trường hợp của bạn như sau:

Theo Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, cụ thể là:

"...

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

...''

Và căn cứ tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại, như sau:

"1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức".

Như vậy, trong trường hợp của bạn sẽ có quyết định khởi tố bị can về tội "cố ý gây thương tích " theo Điều 104 Bộ luật hình sự và như bạn cung cấp là tỷ lệ thương tật của người bị hại là 42%, cho nên với tỷ lệ thương tật này thì không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự trên. Do đó, đối với vụ án này không cần đơn yêu cầu của người bị hại thì bạn vẫn bị khởi tố theo quy định pháp luật.

Vì vậy, khi có quyết định khởi tố bị can, bạn có thể bảo vệ mình bằng các quyền của mình theo quy định khoản 2 Điều 49 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2003:

“2. Bị can có quyền:

a) Được biết mình bị khởi tố về tội gì;

b) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ;

c) Trình bày lời khai;

d) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

đ) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;

e) Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;

g) Được nhận quyết định khởi tố; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố; các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169