Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định về kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Tôi năm nay 42 tuổi, tôi đã góa chồng từ năm 25 tuổi do chồng tôi bị tai nạn giao thông chết năm 1998, lúc đó tôi có 2 con. Tháng 6 năm 2008 tôi có yêu một người đàn ông cùng quê với chồng cũ của tôi, anh ta cũng góa vợ và có 2 con.

Chúng tôi đã chung sống với nhau như vợ chồng tại nhà riêng của tôi rồi có bàn tính đến chuyện làm nhà trước khi kết hôn với hai lí do: Một là, năm đó tôi 36 tuổi được gọi là tuổi Kim lâu nên không kết hôn được. Hai là, vì tôi có hai con riêng nên muốn sau khi cưới về thì mẹ đâu con đấy. Tôi và anh ta đã cùng nhau đi xem ngày làm nhà và thống nhất làm nhà chung để kết hôn vào ngày 24/8 âm lịch năm 2008 tức khoảng cuối tháng 9 năm 2008. Tôi đã đưa tiền riêng của tôi và đi vay tiền đưa cho anh ta mang về làm nhà, thậm trí tôi còn đưa tiền cho anh ta trả nợ khoản tiền anh ta vay nợ từ trước. Khi xây xong phần thô ngôi nhà 3 tầng: chít chát, lát nền xong, chúng tôi đón thầy cúng về trấn trạch. Trong buổi cúng trấn trach có cả mẹ đẻ của tôi về nhà anh ta dự lễ, đồng thời buổi đó chúng tôi đi làm thủ tục đăng kí kết hôn đó là ngày 16/3/2009, một tuần sau chúng tôi tổ chức cưới về nhà mới ở đó là ngày 22 tháng 3 năm 2009, khi kết hôn song, tôi có 8 chỉ vàng mang từ nhà tôi mang về nhà anh ta bán rồi tiếp tục hoàn thiện tiếp nhà và xây dựng thêm một số công trình khác. Đến cuối năm 2011 mới tiếp tục sơn hoàn thiện nhà. Từ tháng 8 năm 2009 đến đầu năm 2013 thì trả nợ hết tiền nợ làm nhà và các khoản vay nợ khác của anh ta trước khi làm nhà và kết hôn với tôi. Nay chúng tôi li hôn, tôi đòi chia tài sản ngôi nhà 3 tầng là tài sản chung vì trước khi kết hôn chúng tôi đã chung sống với nhau như vợ chồng, tôi có đưa tiền riêng của tôi và vay mượn tiền để làm nhà chung. Tòa án sơ thẩm đã căn cứ vào các tài liệu chứng cứ và các lời khai đã công nhận ngôi nhà 3 tầng đó là tài sản chung của vơ chồng và xử cho tôi được hưởng 1/3 trị giá tài sản là 240.000.000đ còn anh ta 2/3 là 480.000đ, tôi thấy mình bị thiệt thòi vì trong đời sống thực tế mức thu nhập của tôi rất ổn định và cao hơn anh ta, tôi đã làm đơn kháng cáo để đòi chia công bằng. Trong phiên tòa xét xử phúc thẩm anh ta cũng kháng cáo và thuê luật sư nhằm không chia tài sản chung cho tôi vì anh ta cãi rằng làm nhà xong thì mới lấy vợ. Như vậy chúng tôi yêu nhau là có cả một quá trình tìm hiểu, chung sống trước hôn nhân và có sự thống nhất về chuyện làm nhà và tôi có đóng góp tiền, vàng và vay mượn tiền trước và sau hôn nhân để làm nhà chứ không phải tự dưng đến ngày đó anh ta tự nhiên cưới vợ mà không biết mặt vợ từ trước ngày kết hôn. Mặc dù tôi có tài liệu, chứng cứ và lời khai nhưng không được xem xét ở tòa phúc thẩm, hơn nữa anh ta cũng có khai rằng tôi có vay tiền cho anh ta làm nhà và đưa tiền cho anh ta trả nợ riêng trước hôn nhân nhưng tiền của riêng tôi đưa cho anh ta thì anh ta lại cãi ... và tòa án phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm là ngôi nhà 3 tầng đó không phải là tài sản chung nên tôi không được chia, mà chỉ chia công sức cho tôi nên tôi chỉ được hưởng 140.000.000đ. Tôi thấy quá bất công đối với tôi vì số tiền ấy không bằng tiền công ô sin cho anh ta trong hơn 5 năm. Hơn nữa bản thân tôi có thu nhập tương đối cao bình quân trong hơn 5 năm ấy, mỗi tháng tôi có trên 10.000.000đ. Như vậy tòa phúc thẩm tuyên án như vậy đã công bằng cho tôi chưa? Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi thấy quá thiệt thòi? Tôi muốn kháng nghị lên cấp trên có được không và thủ tục kháng nghị như thế nào? Kính mong luật sư giúp đỡ tôi để tôi không bị thiệt thòi. Tôi xin cảm ơn!
 
Quy định về kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Thủ tục giám đốc thẩm

Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực pháp luật ngay sau được tuyên. Đối với bản án phúc thẩm thì chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu có căn cứ.

- Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án, các đương sự không biết được khi Toà án ra bản án, quyết định đó.

Do trường hợp của chị không có tình tiết mới nên không có cơ sở để đề nghị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

- Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Trong trường hợp này có cơ sở để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm do kết luật trong bản án không phù hợp với tình tiết khách quan quy định tại điều 283 Bộ luật tố tụng dân sự 2011:

“Điều 283.Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;

3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.


Vì vậy, trong trường hợp này chị cần thực hiện các bước sau:

- Làm đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (theo mẫu). Những nội dung cần có được quy định tại điều 284a Bộ luật tố tụng dân sự 2011:


"1. Đơn đề nghị phải có các nội dung chính sau đây:


a) Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị;


b) Tên, địa chỉ của người đề nghị;


c) Tên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm;


d) Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị;


đ) Người đề nghị là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu và phần cuối đơn.


2. Người đề nghị phải gửi kèm theo đơn bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho người yêu cầu của mình là có căn cứ.


3. Đơn đề nghị và tài liệu, chứng cứ được gửi cho người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại Điều 285 của Bộ luật này".


- Nộp đơn đề nghị trực tiếp (hoặc qua bưu điện) đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chị cần nêu rõ lý do đề nghị kháng nghị theo quy định tại khoản 1 điều 283 BLTTDS 2011 và gửi kèm những tài liệu, chứng từ liên quan mà chị có để làm cơ sở đề nghị cho mình.

- Sau khi nộp đơn, người tiếp nhận đơn sẽ cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho chị (đương sự).

Trường hợp không kháng nghị thì người có thẩm quyền sẽ thông báo bằng văn bản cho chị (đương sự) biết.

Trường hợp người có thẩm quyền đồng ý kháng nghị thì thủ tục Giám đốc thẩm được thực hiện theo quy định của pháp luật trong Bộ luật tố tụng dân sự 2011.

Ngoài ra, chị cũng có thể tham khảo thêm bài viết sau "Tư vấn thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm".

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định về kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

     
Luật gia: Việt Dũng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169