Nạn nhân là gì? Nạn nhân của tội phạm quy định thế nào?
Mục lục bài viết
I. Nạn nhân là gì?
1. Danh từ nạn nhân thường được sử dụng để chỉ những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Trong Từ điển tiếng Việt, từ nạn nhân được định nghĩa: “Người bị nạn hoặc người phải chịu hậu quả của một tại họa x hội hay một chế độ bất công“. (1) Trong Đại từ điển tiếng Việt, từ nạn nhân được định nghĩa: “1. Người bị tai nạn; 2. Người, tổ chức gánh chịu hậu quả từ bên ngoài đưa đến“. (2)
Theo các định nghĩa trên thì nạn nhân được hiểu là những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về thể chất, tinh thần hoặc tài sản. Nạn nhân bao gồm rất nhiều loại như nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân của thiên tai, nạn nhân bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, nạn nhân tự tử, nạn nhân của tội phạm… Trong các loại nạn nhân kể trên thì nạn nhân của tội phạm là dạng nạn nhân đặc biệt.
Như chúng ta đã biết, hành vi phạm tội luôn gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Để gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội này, hành vi phạm tội đã tác động gây thiệt hại cho một số cá nhân, tổ chức. Các cá nhân, tổ chức này là những nạn nhân của tội phạm. Nạn nhân của tội phạm được định nghĩa như sau: Nạn nhân của tội phạm là những cá nhân, tổ chức bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại, gây ra những thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc các quyền, lợi ích hợp pháp khác. (3)
Không phải tội phạm nào cũng gây ra thiệt hại cho các nạn nhân. Nói cách khác, không phải tội phạm nào cũng có nạn nhân. Có những tội phạm luôn luôn có nạn nhân, có những tội phạm có thể có nạn nhân, có những tội phạm luôn không có nạn nhân.
Quy định về khái niệm nạn nhân của tội phạm
II. Nạn nhân của tội phạm quy định thế nào?
2. Theo khái niệm trên, nạn nhân của tội phạm có một số đặc điểm cơ bản như sau: Thứ nhất, nạn nhân của tội phạm là cá nhân, tổ chức. Khác với chủ thể của tội phạm chỉ có thể là cá nhân, nạn nhân của tội phạm có thể là cá nhân, có thể là tổ chức. Các cá nhân, tổ chức này tồn tại và hoạt động trong xã hội được Nhà nước bảo vệ: “Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lí theo pháp luật“. (4) Là nạn nhân của tội phạm, cá nhân, tổ chức phải tồn tại vào thời điểm hành vi phạm tội xảy ra. Bởi vì, chỉ khi đó, hành vi phạm tội mới có thể gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức này.
- Cá nhân là nạn nhân của tội phạm có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không có quốc tịch. Đối với cá nhân, thời gian có thể bị hành vi phạm tội xâm hại bắt đầu từ khi cá nhân đó sinh ra còn sống và kết thúc khi người đó chết đi. Trước thời điểm sinh ra, người đó chưa tồn tại về mặt pháp lí, do đó, hành vi phạm tội chưa thể xâm hại đến người đó được. Ngược lại, khi người đó chết đi thì sẽ chấm dứt sự tồn tại của mình cả về mặt thực tế lẫn mặt pháp lí (khai tử). Khi đó, tất cả những hành vi xâm hại đến thi thể, hài cốt, mồ mả của họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 319 BLHS). Những trường hợp này không thể coi thi thể, hài cốt người chết là nạn nhân của tội phạm.
- Tổ chức là nạn nhân của tội phạm phải là những tổ chức được thành lập hợp pháp (được Nhà nước thành lập hoặc cho phép thành lập). Pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của những tổ chức hợp pháp. Những tổ chức bất hợp pháp sẽ không có địa vị pháp lí, không được tồn tại trong xã hội và do đó không thể là nạn nhân của tội phạm. Những tổ chức hợp pháp là nạn nhân của tội phạm phải là những tổ chức còn tồn tại vào thời điểm xảy ra tội phạm. Những tổ chức thành lập sau thời điểm hành vi phạm tội xảy ra hoặc các tổ chức đã giải thể trước khi hành vi phạm tội xảy ra thì không thể là nạn nhân của tội phạm.
- Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là tổ chức đặc biệt, do đó, trong một số trường hợp, với tư cách là chủ sở hữu một số tài sản, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng có thể trở thành nạn nhân của một số tội xâm phạm tài sản như các tội phá hoại cơ sở vật chất – kĩ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Điều 114 BLHS), tội tham ô tài sản (Điều 353 BLHS).
Thứ hai, nạn nhân của tội phạm là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc các quyền, lợi ích hợp pháp khác. Thiệt hại về thể chất là thiệt hại do các hành vi phạm tội gây ra cho tính mạng, sức khỏe của con người. Thiệt hại về tinh thần là các thiệt hại do hành vi tội phạm gây ra xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của con người. Thiệt hại về vật chất là thiệt hại mà tội phạm gây ra cho tài sản của nạn nhân như tài sản bị chiếm đoạt, bị hủy hoại, bị chiếm dụng…, thiệt hại về quyền, lợi ích hợp pháp khác là thiệt hại xâm hại đến việc thực hiện các quyền và lợi ích cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật.
3. Khái niệm nạn nhân của tội phạm được phân biệt với một số khái niệm khác trong luật hình sự và luật tố tụng hình sự. Thứ nhất, khái niệm nạn nhân của tội phạm được phân biệt với khái niệm đối tượng tác động của tội phạm. Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội phạm bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự. Đối tượng tác động của tội phạm có thể là con người, các đối tượng vật chất (với ý nghĩa là khách thể của quan hệ xã hội) và hoạt động bình thường của chủ thể.
- Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại cho các quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự, đều có thể gây ra sự biến đổi tình trạng bình thường của những đối tượng tác động nhất định của tội phạm. Sự biến đổi trạng thái bình thường của đối tượng tác động của tội phạm trước hết là sự biến đổi tình trạng bình thường của thực thể tự nhiên của con người. Sự biến đổi này thường được gọi là thiệt hại về thể chất và tinh thần của con người. Các thiệt hại này bao gồm thiệt hại về tính mạng (hậu quả chết người) như tội giết người (Điều 123 BLHS), thiệt hại về sức khỏe (hậu quả thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe con người) như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS); thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của con người như tội hiếp dâm (Điều 141 BLHS), tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS); Các thiệt hại này còn bao gồm cả những thiệt hại gây ra xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân như tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 BLHS), tội xâm phạm chỗ ở của công dân (Điều 158 BLHS)… Trong những trường hợp này, con người vừa là đối tượng tác động tội phạm vừa chính là nạn nhân bị xâm phạm về thể chất, tinh thần và các quyền tự do dân chủ. Ví dụ: A thực hiện hành vi giết B (Điều 123 BLHS). Trong tội phạm này, B vừa là đối tượng tác động của hành vi phạm tội của A, vừa là nạn nhân của tội giết người.
- Sự biến đổi trạng thái bình thường của đối tượng tác động của tội phạm còn thể hiện ở sự cản trở hoạt động bình thường của con người như hành vi chống người thi hành công vụ trong tội chống người thi hành công vụ (Điều 330 BLHS) sự làm biến dạng xử sự của người khác như hành vi đưa hối lộ làm biến dạng xử sự của người có chức vụ, quyền hạn làm cho người đó làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ (Điều 364 BLHS), hoặc sự tự làm biến dạng xử sự của chính chủ thể như hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự (Điều 332 BLHS), hành vi nhận hối lộ trong tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS). Những xử sự đã bị làm biến dạng này có thể gây ra thiệt hại cho con người như hành vi tự sát trong các tội bức tử (Điều 130 BLHS), tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát (Điều 131 BLHS). Trường hợp sự biến dạng xử sự của con người gây ra những thiệt hại về thể chất của người đó thì đối tượng tác động của tội phạm chính là nạn nhân của tội phạm. Ví dụ: A có hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi làm cho B là người lệ thuộc A có hành vi tự sát. Hành vi của A cấu thành tội bức tử (Điều 130 BLHS), trong tội này, đối tượng tác động của tội phạm và nạn nhân của tội này đều là B.
- Cũng có thể những xử sự đã bị làm biến dạng này gây ra thiệt hại vật chất cho chủ sở hữu nào đó như hành vi nhận hối lộ để làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ nhưng lại gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước (tội nhận hối lộ Điều 354 BLHS). Khi đó, đối tượng tác động của tội phạm là sự biến dạng xử sự của con người, còn nạn nhân của tội phạm là chủ sở hữu có tài sản bị thiệt hại. Ví dụ: A là cán bộ tín dụng biết B lập hồ sơ giả để vay vốn ngân hàng, do B đưa hối lộ cho A nên A vẫn xác nhận hồ sơ cho B. Hành vi của A cấu thành tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS). Trong tội phạm này, đối tượng tác động là xử sự của A xác nhận cho B đủ điều kiện vay vốn làm thiệt hại tài sản của Nhà nước. Nạn nhân của tội phạm sẽ là Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu tài sản XHCN bị hành vi phạm tội xâm hại.
- Sự biến dạng xử sự của con người trong một số trường hợp lại không gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức cụ thể nào. Trong trường hợp này, tội phạm chỉ có đối tượng tác động là sự biến dạng xử sự của con người mà không có nạn nhân. Ví dụ: Vụ án Phạm Văn Luống nguyên trạm trưởng Trạm hải quan Hưng Điền tỉnh Long An do có quan hệ sinh lí với Lê Thị Mạnh – chủ hàng lậu nên đã không xử lí 5 chuyến tàu chở hàng của Mạnh với tổng số hàng lậu là 730 kiện quần áo cũ nặng 70 tấn. Lê Thị Mạnh bị khởi tố tội buôn lậu, Phạm Văn Luống bị khởi tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. (5) Trong vụ án này, hành vi phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Phạm Văn Luống có đối tượng tác động là hành vi của Luống không xử lí số hàng buôn lậu của Mạnh, còn tội phạm này không có nạn nhân.
- Hành vi phạm tội còn gây ra sự biến đổi tình trạng bình thường của các đối tượng vật chất là khách thể của quan hệ xã hội. Sự biến đổi này thường được gọi là những thiệt hại vật chất. Các thiệt hại này thể hiện dưới các dạng như tài sản bị chiếm đoạt, tài sản bị hủy hoại, tài sản bị sử dụng, chiếm giữ trái phép… Trong những trường hợp này, đối tượng tác động của tội phạm chính là các đối tượng vật chất (tài sản) bị biến đổi tình trạng bình thường, còn nạn nhân của tội phạm lại là các chủ sở hữu hoặc chiếm hữu hợp pháp các tài sản này. Ví dụ: A trộm cắp chiếc xe máy của B. Trong tội phạm này chiếc xe máy là đối tượng tác động của tội trộm cắp. B là nạn nhân của tội trộm cắp (Điều 173 BLHS).
Thứ hai, khái niệm nạn nhân của tội phạm được phân biệt với khái niệm hậu quả của tội phạm. Hậu quả của tội phạm là những thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra cho các quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của pháp luật. Bất cứ tội phạm nào cũng đều có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội, những thiệt hại cho các quan hệ xã hội thông qua việc làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Nhưng không phải tất cả các CTTP đều có các dấu hiệu phản ánh hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Chỉ có các CTTP vật chất mới có các dấu hiệu phản ánh về hậu quả của tội phạm. Trong các CTTP hình thức dấu hiệu hậu quả của tội phạm không được mô tả.
- Như vậy, dấu hiệu hậu quả của tội phạm có thể được mô tả hoặc không được mô tả trong CTTP (phụ thuộc vào kĩ thuật lập pháp). Còn nạn nhân của tội phạm lại phụ thuộc vào hành vi phạm tội có gây ra thiệt hại về thể chất, tinh thần cho cá nhân, tổ chức nào không.
- Trong một số trường hợp hậu quả của tội phạm chính là các nạn nhân. Đó là các trường hợp mà đối tượng tác động của tội phạm chính là các nạn nhân như hậu quả chết người trong tội giết người (Điều 123 BLHS), hậu quả thương tích trong tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS). Trong một số trường hợp khác, hậu quả của tội phạm lại không phải là các nạn nhân. Đó là các trường hợp mà đối tượng tác động của tội phạm không phải là nạn nhân của tội phạm như các tội xâm phạm sở hữu hoặc trong các tội không có nạn nhân.
- Trong một số tội phạm, có thể hậu quả tội phạm chưa xảy ra nhưng những hành vi phạm tội này vẫn có nạn nhân. Đó là các trường hợp chuẩn bị phạm tội (Điều 14 BLHS) và phạm tội chưa đạt (Điều 15 BLHS) mà các hành vi phạm tội này đã gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức nào đó.
Thứ ba, khái niệm nạn nhân của tội phạm còn được phân biệt với khái niệm người bị hại, nguyên đơn dân sự trong tố tụng hình sự. Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hay tài sản do tội phạm gây ra. Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. (6)
- Như vậy, về cơ bản khái niệm người bị hại và nguyên đơn dân sự có nội dung tương tự khái niệm nạn nhân của tội phạm nhưng có một số điểm khác nhau. Thứ nhất, theo quy định của luật TTHS thì người bị hại luôn luôn là cá nhân, còn nạn nhân của tội phạm có thể là cá nhân , có thể là tổ chức. Chỉ các nạn nhân là cá nhân khi tham gia tố tụng hình sự mới có địa vị pháp lí của người bị hại, còn nạn nhân là tổ chức khi tham gia tố tụng hình sự có địa vị pháp lí của nguyên đơn dân sự. Một số cá nhân không phải là nạn nhân của tội phạm nhưng vẫn có thể là nguyên đơn dân sự nếu các cá nhân này bị gây thiệt hại không lớn về tài sản do hành vi phạm tội gây ra. Do thiệt hại không lớn nên hành vi gây thiệt hại này chưa cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143 BLHS 1999). Ví dụ: A gây thương tích cho B ở trong quán ăn của C đã làm đổ vỡ một số cốc, chén, bát… Trường hợp này nếu thiệt hại A gây ra cho C không lớn, chưa cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 BLHS 2015) thì trong tội này, chỉ có B là nạn nhân của tội cố ý gây thương tích (Điều 134) còn C sẽ là nguyên đơn dân sự.
- Nạn nhân của tội phạm là cá nhân, tổ chức chỉ trở thành người bị hại, nguyên đơn dân sự nếu những cá nhân, tổ chức là nạn nhân của tội phạm này tham gia vào quá trình tố tụng. Chỉ khi đó, họ mới có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lí được quy định trong luật tố tụng hình sự Việt Nam tại các Điều 60, 61 BLTTHS. Nếu các nạn nhân của tội phạm không tham gia quá trình tố tụng thì họ không phải là người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự. Họ chỉ là nạn nhân của tội phạm./.
Chú thích :
(1).Xem: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, H.1994, tr. 635.
(2).Xem: Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, H. 1998, tr. 1165.
(3). Cũng có quan điểm cho rằng: Nạn nhân của tội phạm là những cá nhân, tổ chức bị hành vi phạm tội xâm hại trực tiếp hoặc gián tiếp về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc các quyền, lợi ích hợp pháp khác. Ví dụ: hành vi A giết B thì B là nạn nhân trực tiếp của hành vi phạm tội của A còn những người thân của B như cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu của B là các nạn nhân gián tiếp vì họ cũng bị thiệt hại về tinh thần. Nếu hành vi giết người của A có tính chất man rợ, gây hoang mang trong dư luận xã hội thì những người bị hoang mang, lo sợ về hành vi phạm tội của A gây ra đều là nạn nhân gián tiếp của hành vi phạm tội của A. Quan điểm của chúng tôi cho rằng chỉ những cá nhân tổ chức bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc các quyền, lợi ích hợp pháp khác mới là nạn nhân của tội phạm bởi vì hành vi phạm tội ở các tội với lỗi cố ý là nhằm gây thiệt hại cho chính các cá nhân tổ chức bị hành vi phạm tội xâm hại. Hơn nữa, việc xác định những cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng của hành vi phạm tội gây ra trên thực tế là rất khó xác định.
(4).Xem: Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995. Điều 12.
(5).Xem: Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, số 43, ngày 30/3/1999, tr. 6.
(6).Xem: Điều 39, Điều 40 Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000.
Th.S Trần Hữu Tráng
Theo: Tạp chí Luật học số 01/2002
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất