Quy định pháp luật về chia tài sản vợ chồng khi ly hôn.
1) Luật sư tư vấn chia tài sản vợ chồng khi ly hôn.
Pháp luật đã quy định rất rõ và xác định cụ thể tài sản như nào được coi là tài sản riêng, tài sản như nào được coi là tài sản chung vợ chồng. Nhưng khi giải quyết vụ việc thực tế thì việc áp dụng pháp luật không hề đơn giản. Để hiểu rõ được quy định pháp luật về chia tài sản vợ chồng khi ly hôn thì bạn có thể liên hệ với Luật Minh Gia, Luật sư chúng tôi sẽ hướng dẫn và tư vấn để bạn nắm được các quy định pháp luật từ đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho bản thân mình.
Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc liên hệ với chúng tôi, bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây:
2) Chia tài sản vợ chồng khi ly hôn.
Câu hỏi: Luật sư cho em hỏi hiện tại vợ em đã gửi đơn ly hôn và kê trong đơn với số tiền 200 triệu còn gửi ngân hàng. Khi ra toà em cũng khai báo hiện tại không còn số tiền này vì đã rút ra cách đây 8 tháng và đã chi tiêu trang trãi cuộc sống hết rồi vì em đã thất nghiệp từ tháng 5 đến nay, tiền dùng để chữa bệnh cho con em và chữa bệnh cho em, rồi đám cưới cũng như sinh hoạt hằng ngày..., khi đó toà lại hỏi tiền xài có ghi lại không, em lại bảo tiền vợ chồng tiêu xài hằng ngày thì sao mà ghi. Toà lại hỏi gần 1 năm mà tiêu hết 200tr có lớn lắm không, em trả lời là bình thường vì tùy theo từng trường hợp chi tiêu nên không lớn. Vậy Luật sư cho em hỏi tiền đã rút ra lâu như vậy rồi mà giờ vợ cứ đòi kiện tranh chấp tài sản thì pháp luật sẽ xử sao ạ?
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi lời đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Vì thông tin bạn cung cấp không đầy đủ để xác định đây là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng bạn nên chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
Và Điều 43 Luật này quy định:
“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”.
Theo đó, trong trường hợp của bạn trước tiên Tòa án cần xác định số tiền 200 triệu được gửi trong ngân hàng là tài sản chung hay tài sản riêng vợ chồng dựa trên quy định pháp luật Điều 33 và Điều 43 nêu trên.
Nếu số tiền đó được coi là tài sản riêng của vợ hoặc là tài sản riêng của chồng thì khi xác lập, hoặc giao dịch sẽ không cần thỏa thuận với bên còn lại và khi ly hôn cũng không được yêu cầu Tòa án chia tài sản.
Ngược lại, nếu số tiền đó được coi là tài sản chung vợ chồng thì khi ly hôn vợ chồng có quyền yêu cầu chia.
Ngoài ra, theo Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định về Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng:
“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu”.
Theo quy định pháp luật thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do hai vợ chồng thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận nhưng việc chồng hoặc vợ xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia.
Xét trong trường hợp của bạn, nếu người vợ có tài liệu, bằng chứng chứng minh đây là tài sản chung vợ chồng thì vợ bạn có quyền yêu cầu chia tài sản. Tuy nhiên, số tiền đó hiện tại đã không còn do bạn đã rút ra và chi tiêu hết. Tòa án sẽ căn cứ vào lời khai và bằng chứng của hai vợ chồng bạn đưa ra để xác định số tiền bạn chi tiêu có chính xác là sử dụng vào mục đích đáp ứng nhu cầu cần thiết của của gia đình hay không. Nếu bạn chứng minh được số tiền bạn rút ra chi tiêu vào những việc gia đình (ví dụ hóa đơn tiền thuốc, tiền viện phí…) hoàn toàn hợp lý thì Tòa án sẽ không chia số tiền đó.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất