Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định pháp luật về ấn định thuế

Quy định về nguyên tắc ấn định thuế, phương pháp kê khai trong trường hợp vi phạm pháp luật thuế, xác định mức thuế khoán, ấn định thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế và của người nộp thuế đối với việc ấn định thuế, cụ thể như sau:

Nguyên tắc ấn định thuế

+   Việc ấn định thuế phải bảo đảm khách quan, công bằng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thuế.

+   Cơ quan quản lý thuế ấn định số thuế phải nộp hoặc ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp.

Ấn định thuế đối với người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế

+   Người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai bị ấn định thuế trong các trường hợp sau đây:

-    Không đăng ký thuế;

-    Không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau mười ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế;

-    Không khai thuế, không nộp bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khai thuế không chính xác, trung thực, đầy đủ về căn cứ tính thuế;

-    Không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế;

-    Không xuất trình sổ kế toán, hoá đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp trong thời hạn quy định;

-    Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường;

-    Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế.

+   Các căn cứ ấn định thuế bao gồm:

-    Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế;

-    So sánh số thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành nghề, quy mô;

-    Tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực.

+   Việc ấn định thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định về ấn định thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu dưới đây.

Xác định mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế

+   Cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp theo phương pháp khoán thuế (sau đây gọi là mức thuế khoán) đối với các trường hợp sau đây:

-    Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ;

-    Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế.

+   Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu kê khai của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, ý kiến của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để xác định mức thuế khoán.

+   Mức thuế khoán được tính theo năm dương lịch và phải được công khai trong địa bàn xã, phường, thị trấn. Trường hợp có thay đổi ngành, nghề, quy mô kinh doanh, người nộp thuế phải khai báo với cơ quan thuế để điều chỉnh mức thuế khoán.

+   Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc xác định mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Ấn định thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

+   Cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau đây:

-    Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai báo căn cứ tính thuế, tính và kê khai số thuế phải nộp; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác các căn cứ tính thuế làm cơ sở cho việc tính thuế;

-    Người khai thuế từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài quá thời hạn quy định việc cung cấp các tài liệu liên quan cho cơ quan hải quan để xác định chính xác số thuế phải nộp;

-    Cơ quan hải quan có đủ bằng chứng về việc khai báo trị giá không đúng với trị giá giao dịch thực tế;

-    Người khai thuế không tự tính được số thuế phải nộp.

+   Cơ quan hải quan căn cứ hàng hoá thực tế xuất khẩu, nhập khẩu; căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế; tài liệu và các thông tin khác có liên quan để ấn định số thuế phải nộp.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc ấn định thuế

+   Cơ quan quản lý thuế thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về lý do ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế, số thuế ấn định, thời hạn nộp tiền thuế.

+   Trường hợp số thuế ấn định của cơ quan quản lý thuế lớn hơn số thuế phải nộp thì cơ quan quản lý thuế phải hoàn trả lại số tiền thuế nộp thừa và bồi thường thiệt hại theo quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Toà án.

Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp số thuế ấn định

Người nộp thuế phải nộp số thuế ấn định theo thông báo của cơ quan quản lý thuế. Trường hợp không đồng ý với số thuế do cơ quan quản lý thuế ấn định thì người nộp thuế vẫn phải nộp số thuế đó, đồng thời có quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích hoặc khiếu nại, khởi kiện về việc ấn định thuế.

P. Luật sư tư vấn

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169