Tội hành nghề mê tín, dị đoan bị xử lý thế nào?
Mục lục bài viết
1. Luật sư tư vấn về tội hành nghề mê tín dị đoan
Hiện nay, có rất nhiều trường hợp dùng các hình thức mê tín, lợi dụng lòng tin của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, đối với các hành vi này tùy theo mục đích, tính chất, mức độ, hậu quả mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, nếu bạn hoặc người thân của mình gặp phải trường hợp này và chưa biết làm thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn cụ thể về các vấn đề:
- Mức xử phạt hành chính đối với hành vi mê tín dị đoan;
- Trách nhiệm hình sự đối với hành vi mê tín dị đoan;
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm trường hợp chúng tôi xử lý sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này.
2. Quy định pháp luật về tội hành nghề mê tín dị đoan
Nội dung đề nghị tư vấn:
Chào Luật sư Minh Gia, em muốn hỏi trường hợp như sau: Bố em làm nghề thầy cúng, xem quẻ... Các nhà ở khắp nơi tới nhờ bố em cúng, và soi bố em cúng và soi xong có nhà bố em bảo có của và bảo các gia đình đào bới ở phần đất của các gia đình lên thì thấy hũ (dạng hũ lục bình) bố em bảo có của trong đó, hầu như làm 10 nhà thì 10 nhà đều đào được hũ (đào trong nhà họ có khi ngoài vườn)... Bố em bảo họ đi đền chùa thành tâm mà nhận, thế là họ đi đền chùa và họ mua quà tặng cho bố em... họ dục bố em cho họ mở để lấy lộc, đến ngày mở thì bên trong không có gì. Vậy là họ bắt giữ bố em và quy tội lừa đảo. Bây giờ em phải làm gì ạ. Mong Luật sư tư vấn giúp e quy định pháp luật về trường hợp của em, e xin cảm ơn.
Trả lời:
Cảm ơn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự với hành vi hành nghề mê tín, dị đoan
Điều 320 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:
“1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Như vậy, nếu bố bạn chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hành nghề mê tín hoặc chưa từng bị kết án về tội này thì chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bố bạn về hành vi hành nghề mê tín dị đoan.
Thứ hai, về xử phạt vi phạm hành chính
theo quy định tại Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì vi phạm quy định về nếp sống văn hóa được quy định như sau:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;
…
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.”
Như vậy, nếu bố bạn có hành vi sử dụng mê tín dị đoan để trục lợi thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Thứ ba, quy định về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
…”
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp có thể nhận thấy bố bạn chưa có hành vi lừa dối với mục đích chiếm đoạt tài sản do đó chưa có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bố bạn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất