Phòng vệ chính đáng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
1. Luật sư tư vấn Luật Hình sự
Phòng vệ chính đáng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Mục đích của phòng vệ chính đáng nhằm bảo vệ những lợi ích hợp pháp đã, đang hoặc có nguy cơ bị xâm hại và đặc biệt hành vi chống trả của người bị xâm phạm các lợi ích phải là cần thiết nhằm gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công trái pháp luật. Do vậy, mặc dù người có hành vi phòng vệ gây nên thiệt hại khách quan về hình sự nhưng sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên nếu người có hành vi chống trả vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà pháp luật cho phép thì hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, nếu bạn đang gặp phải những vướng mắc liên quan đến pháp luật Hình sự nói chung và hành vi phòng vệ chính đáng nói riêng, bạn cần tham khảo các quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.
Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến hành vi phòng vệ chính đáng bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Tư vấn hành vi phòng vệ chính đáng
Hỏi: Kính chào Luật Sư! Tôi có một vấn đề muốn Luật sư tư vấn giúp. Câu chuyện của tôi như sau: Tôi có một mảnh đất cần bán và tôi nhờ một người hàng xóm, nếu có người mua thì giới thiệu cho tôi khi bán được tôi sẽ cho họ 30 triệu đồng (vấn đề này chỉ nói miệng với nhau thôi chứ không có văn bản gì). Khi bán được đất tôi đã đưa cho họ 20 triệu đồng cho họ, nhưng họ không đồng ý mà bắt tôi phải trả 30 triệu đồng như đã nói trước đó. Một hôm 2 vợ chồng họ tới nhà tôi bắt tôi trả số tiền trên, nếu Tôi không trả họ sẽ đánh. Tôi không đồng ý trả và mời họ ra khỏi nhà Tôi, khi đó người vợ đã vào ôm tôi với mục đích để cho chồng họ đánh. Tuy nhiên tôi đã vung tay và thoát được ra nhưng bà vợ ông hàng xóm bị ngã và xước nhẹ. Cuối cùng họ đã kiện tôi với lý do đánh người gây thương tích. Xin hỏi Luật sư họ khởi kiện tôi như vậy có đúng không và Tôi phải làm gì để bảo vệ Quyền và Lợi ích hợp pháp của mình? Trân trọng!
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ thông tin bạn cung cấp, bạn tuyên bố: Nếu người hàng xóm giới thiệu người mua đất cho bạn và bạn bán được mảnh đất thì sẽ được nhận thưởng 30 triệu đồng. Theo đó, có thể xác định đây là hành vi hứa thưởng theo quy định tại Điều 570 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều 570. Hứa thưởng
1. Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.
2. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”
Mặc dù giao dịch này không được thể hiện bằng văn bản nhưng vẫn có giá trị pháp lý theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015. Khi đó, nếu gia đình hàng xóm có căn cứ để chứng minh về việc hứa thưởng thì họ có quyền yêu cầu bạn trả thưởng đúng và đủ 30 triệu đồng như đã giao kết.
Trong quá trình thỏa thuận thanh toán tiền thưởng, bạn chỉ trả cho người hàng xóm 20 triệu đồng nên đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát giữa hai bên. Trong trường hợp này, tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà bạn có thể sẽ bị chịu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.
Đối chiếu thông tin bạn đưa ra cho thấy gia đình hàng xóm kiện bạn với lý do đánh người gây thương tích. Tuy nhiên, dựa trên các tình tiết, sự kiện xảy ra trên thực tế, chúng tôi chưa xác định được gia đình hàng xóm trình báo đến cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi của bạn hay khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bạn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; vì vậy, có thể xảy ra hai trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Gia đình hàng xóm trình báo đến cơ quan điều tra về việc bạn đánh người gây thương tích
Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
...
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
…”
Theo quy định nêu trên, nếu hành vi vung tay của bạn làm vợ người hàng xóm ngã, bị xước nhẹ; đồng thời, bạn không sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm,... thì cần phải xem xét mức độ tổn thương cơ thể của người đó để truy cứu trách nhiệm hình sự với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Mặt khác, nếu hành vi của bạn thực hiện nhằm mục đích chống trả lại sự tấn công của gia đình hàng xóm một cách cần thiết thì có thể xác định là hành vi phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
“Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”
Như vậy, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm nên bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi này.
Tuy nhiên, nếu hành vi của bạn chống trả quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại đồng thời gây tổn hại đến sức khỏe của vợ chồng hàng xóm thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
“Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
…”
Trường hợp các bên xảy ra xô xát, ẩu đả nhưng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh nêu trên thì hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP
“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
...
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;
…”
Trường hợp 2: Gia đình hàng xóm gửi đơn khởi kiện tại Tòa án yêu cầu bạn bồi thường thiệt hại
Trong trường hợp hành vi của bạn xâm phạm đến sức khỏe của vợ, chồng nhà hàng xóm và có thiệt hại thực tế xảy ra thì bạn phải có nghĩa vụ bồi thường theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
Mức bồi thường trong trường hợp này được xác định căn cứ vào thiệt hại thực tế xảy ra. Tuy nhiên, nếu thiệt hại xảy ra trong trường hợp bạn thực hiện các biện pháp phòng vệ chính đáng cần thiết thì bạn không phải bồi thường thiệt hại. Nhưng nếu bạn gây ra thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bạn phải thực hiện bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật (Điều 594 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất