Cao Thị Hiền

Phát hiện con không phải con đẻ, khi ly hôn có yêu cầu bồi thường được không?

Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề bồi thường thiệt hại khi một bên phát hiện đứa con mà mình hết lòng yêu thương, nuôi dưỡng bấy lâu nay lại không phải là con ruột của mình. Và trong xã hội ngày nay, trường hợp như vậy không được coi là hiếm gặp. Vậy cách giải quyết vấn đề này là như thế nào? Một bên bị lừa dối có thể yêu cầu bên còn lại bồi thường thiệt hại hay không? Mời quý bạn đọc hãy cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.

1. Quy định về xác định cha, mẹ, con

Vấn đề xác định con được quy định tại Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:

“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định.”

Theo quy định, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Và con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Một bên có thể từ chối nhận con nhưng cần gửi yêu cầu đến Toà án nhân dân cấp huyện nơi mình đanh cư trú và cung cấp kèm theo chứng cứ để Toà án có cơ sở xem xét xác nhận người con không phải con chung của hai vợ chồng.

2. Có được bồi thường thiệt hại khi phát hiện con không phải là con ruột khi ly hôn?

Bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự được quy định nhằm bắt buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp những tổn thất vật chất và tinh thần. Để phát sinh bồi thường thiệt hại phải có đầy đủ các điều kiện như phải có thiệt hại xảy ra, có hành vi trái pháp luật, có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã xảy ra, người gây thiệt hại có lỗi.

Theo Điều 584 BLDS 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường trừ những trường hợp mà bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác. 

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 về ly hôn thì không có quy định liên quan đến việc một bên phải bồi thường cho bên còn lại khi phát hiện có hành vi ngoại tình, có con riêng trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 6 Bộ luật dân sự 2015 và Khoản 3 Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có ghi nhận về việc áp dụng lẽ công bằng trong việc giải quyết vụ án dân sự. Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì nguyên tắc cơ bản của trong tố tụng dân sự là “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.

Do đó, có thể thấy, mặc dù pháp luật hôn nhân không có quy định chi tiết về bồi thường với trường hợp vợ ngoại tình, có con riêng tuy nhiên, nếu hành vi này gây ra thiệt hại về tinh thần, danh dự cho người chồng thì người chồng vẫn có thể khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu bồi thường. Chi phí bồi thường có thể bao gồm các chi phí như công chăm sóc, nuôi dưỡng; chi phí khi sinh con; tiền bồi thường tổn thất về tinh thần…

Trên thực tế, đã có trường hợp khởi kiện bồi thường khi phát hiện con không phải con đẻ và đã được chấp nhân. Tại bản án 04/2020/DS-ST ngày 28/05/2021 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do Tòa án nhân dân huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ giải quyết tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa vợ - chồng trong trường hợp người con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân không phải con chung của vợ chồng. Theo đó người chồng khởi kiện yêu cầu bồi thường khoản chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc và tổn thất về tinh thần và kết quả giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người chồng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169