Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Pháp luật quy định điều kiện để được ly hôn như thế nào?

Luật sư tư vấn về điều kiện để được ly hôn? Việc xác định mâu thuẫn trầm trọng của vợ chồng được thể hiện như thế nào trong các văn bản pháp luật về hôn nhân gia đình, điều kiện nào để giành quyền nuôi con và án phí khi giải quyết ly hôn quy định thế nào? Nội dung hỏi và trả lời tư vấn chi tiết như sau:

1. Điều kiện để được ly hôn quy định theo quy định pháp luật

Câu hỏi: Hiện vợ chồng tôi sống với nhau được 7 năm. Cách đây 1 tháng vợ tôi giận tôi thì gặp được 1 người quen, người đó đã dụ vợ tôi quan hệ và rót mật nhiều lần. Tôi biết vợ tôi chỉ ham mê nhất thời, vì hiện tại 2 vợ chồng tôi có với nhau 2 con chung. Tôi nuôi con riêng của vợ từ thời còn 1 tuôi, bé rất thương tôi. Hiện tại 3 đứa con tôi do tôi nuôi. Xin luật sư tư vấn cho tôi vì vợ tôi đang nộp đơn li hôn đơn phương. Tôi không đồng ý ly hôn có được không?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn cho chúng tôi, Nội dung bạn hỏi Công ty luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:

Trong trường hợp anh không đồng ý ly hôn khi vợ ly hôn đơn phương và nếu anh không đồng ý ly hôn cần xác định căn cứ ly hôn theo quy định pháp luật đối với Ly hôn đơn phương. Cụ thể tại điều 56 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về Ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Về tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được được anh có thể tham khảo thêm hướng dẫn, giải thích sau để tham khảo thêm:

+   Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

+   Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

+   Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn theo quy định.

Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Như vậy, nếu anh không muốn ly hôn vợ mình cần có cơ sở chứng minh, hoặc cung cấp những chứng cứ chứng minh ngược lại vấn đề: việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Tùy theo quá trình giải quyết vụ án, tòa án có phán quyết về việc chấp thuận yêu cầu khởi kiện ly hôn, không chấp nhận hoặc trả lại đơn theo quy định.

2. Khi ly hôn việc chăm sóc, nuôi dưỡng con và án phí quy định thế nào?

Câu hỏi: Chào luật sư, tôi đã đọc các tư vấn của luật sư và được biết : "khi ly hôn, con dưới 36 tháng được giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp mẹ k đủ điều kiện vật chất và tinh thần...". Tôi là giáo viên dạy hợp đồng theo tháng với mức lương 2,4tr/ tháng nhưng công việc không ổn định, lúc có việc lúc không. Vậy đây có phải bất lợi của tôi khi giành quyền nuôi con vì không đủ điều kiện vật chất? Trong khi đó chồng tôi có mức lương ổn định 4tr/tháng. Nếu xét 2 bên gia đình thì nhà chồng tôi có điều kiện vật chất tốt hơn. Nhưng tôi lại đáp ứng đầy đủ cho con về mọi mặt khác. Và Luật sư cho tôi hỏi thêm về phí ly hôn? Có phải 10 triệu không ạ? Hay mức án phí là bao nhiêu?Mong nhận được tư vấn sớm nhất của luật sư!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Thứ nhất, về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con dưới 36 tháng.

Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:

“Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con

Như vậy, việc nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn được giao cho người mẹ trừ trường mẹ không đủ điều kiện để trông nom, chăm sóc… hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác. Trong trường hợp của bạn, việc điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con không tốt bằng bố hoàn toàn khác với việc không có điều kiện. Bạn là giáo viên dạy hợp đồng theo tháng với mức lương 2,4tr/ tháng nhưng công việc không ổn định, lúc có việc lúc không nhưng vẫn đủ khả năng, điều kiện để chăm sóc, giáo dục tốt cho con thì rất nhiều khả năng bạn có thể giành được quyền nuôi con.

Thứ hai, về mức án phí ly hôn.

Căn cứ theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về về mức thu án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án ... quy định như sau:

- Án phí cho một vụ việc ly hôn nếu không có tranh chấp về tài sản là 300.000 đồng

- Đối với những vụ việc có tranh chấp về tài sản thì mức án phí được xác định theo giá trị tài sản tranh chấp. Bạn có thể tham khảo tại bài viết chúng tôi đã tư vấn tương tự như sau:

>> Án phí khi yêu cầu chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn

Trân trọng

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169