Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tham ô tài sản là gì? Tội tham ô tài sản bị xử lý thế nào?

Luật sư tư vấn quy định pháp luật về tội tham ô tài sản cụ thể gồm cơ sở pháp lý, cấu thành tội phạm, hình phạt và tư vấn tình huống hỏi liên quan đến tham ô tài sản như sau:

1. Tham ô tài sản là gì?

Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lí với giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu  đồng nhưng đã gây hậu quả nghiêm trọng.

2. Cơ sở pháp lý

Căn cứ tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau:

"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này".

tam-o-jpg-09082014094640-U17.jpg

3. Cấu thành tội phạm

- Chủ thể: chủ thể đặc biệt, là những người có chức vụ, quyền hạn quản lí tài sản.

- Lỗi: cố ý trực tiếp với mục đích: tư lợi

- Hành vi khách quan: hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lí bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Hành vi phạm tội tham ô trước hết phải là hành vi chiếm đoạt. Đối tượng của hành vi chiếm đoạt là những tài sản mà người phạm tội được giao quản lí. Người phạm tội đã lợi dụng trách nhiệm quản lí tài sản được giao, chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lí. Thủ đoạn lợi dụng trách nhiệm quản lí tài sản này có thể khác nhau nhưng thực chất đều là sử dụng chức vụ quyền hạn được giao như điều kiện, phương tiện để có thể dễ dàng biến tài sản được giao thành tài sản của mình.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lí cấu thành tội tham ô khi có một trong những dấu hiệu sau:

+ Giá trị tài sản chiếm đoạt từ hai triệu đồng trở lên

+ Gây hậu quả nghiêm trọng

+ Đã bị xử lí kỉ luật về hành vi này mà còn vi phạm

+ Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

4. Hình phạt

- Khung cơ bản: phạt tù từ hai năm đến bảy năm

- Khung tăng nặng thứ nhất: phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, áp dụng đối với trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết tăng nặng định khung quy định tại khoản 2

- Khung tăng nặng thứ hai: phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm áp dụng đối với trường hợp có các tình tiết tăng nặng định khung quy định tại khoản 3

- Khung tăng nặng thứ ba: phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình, áp dụng đối với hành vi phạm tội thuộc khoản 4

- Hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mười triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

---

5. Tư vấn vướng mắc về tội tham ô tài sản

Câu hỏi:

Chị em vừa là giáo viên, vừa là thủ quỹ của trường THPT. Do nợ nần nên chị đã thâm hụt công quỹ của trường hết 90 triệu và bỏ đi, gia đình đã chi trả số tiền này ngày 25/02 cho trường. Đến ngày 29/06 chị em sang nước ngoài đi xuất khẩu lao động thì bị hải quan bắt vì công an Huyện ra lệnh truy nã.

Hồ sơ khởi tố ngày 28/02, chị em bị quy tội chiếm đoạt tài sản nhà nước, mặc dù gia đình đã hoàn trả số tiền 90 triệu nhưng do chị em ko trình diện nên bị quy tội. Từ khi hoàn trả hết số tiền 90 triệu cho nhà trường, gia đình em không nhận được bất kỳ thông báo , lệnh triệu tập hay truy nã của công an huyện gửi. Cho đến khi chị em đi lao động mới bị bắt ở hải quan và tạm giam đến nay hơn 1 tháng. Gia đình em có nộp giấy có công với cách mạng và hiện chị em có con nhỏ dưới 3 tuổi, chị đã là giáo viên giỏi cống hiến gần 15 năm nay. Xin tư vấn giúp em, chị em sẽ bị xử như thế nào và mức án bao nhiêu? Thời gian xét xử vụ án tối đa trong bao lâu vì hơn 1 tháng nay chỉ nghe các anh công an kêu chờ. E xin cám ơn nhiều.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Chị bạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt số tiền 90 triệu đồng, đủ căn cứ để bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 353.Khung hình phạt áp dụng với chị bạn là phạt tù có thời hạn từ 02 năm đến 07 năm. Ngoài ra, chị bạn còn bị cấm đảm nhiệm công việc liên quan đến công việc thủ quỹ từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp này chị bạn phải nhờ đến gia đình hoàn trả số tiền 90 triệu chứ không phải do bản thân chị bạn tự nguyện và đủ khả năng hoàn trả. Nhưng tùy vào mức độ mà Tòa án có thể xem xét đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với chị bạn khi quyết định hình phạt.

Mặc dù gia đình bạn là gia đình có công với cách mạng và chị bạn đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nhưng 2 yếu tố này không phải là căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho chị bạn. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, xét xử vụ án, Tòa án có thể xem xét về nhân thân, cân nhắc, coi các tình tiết đó là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt.

Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm giam để điều tra như sau:

“1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định nh¬ư sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

...”

Mức hình phạt đối với chị bạn trong trường hợp này là từ 02 năm đến 07 năm thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng do đó thời hạn tạm giam để điều tra đối với trường hợp này là tối đa không quá 05 tháng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169