Trần Tuấn Hùng

Phân chia tài sản sau ly hôn và việc lập di chúc

Nhìn chung các quy định về di chúc tại Bộ luật dân sự hiện hành là vô cùng chặt chẽ và tỉ mỉ. Bởi lẽ, di chúc là căn cứ duy nhất để xác định di nguyện của người chết đối với tài sản của mình. Chính vì vậy, khi lập di chúc, nhiều người không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc vì các quy định pháp luật về vấn đề này là khá nhiều. Dưới đây là một số nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề này.

Nội dung đề nghị tư vấn: Kính chào Luật sư‎! Tôi xin được trình bày ngắn gọn nội dung cần tư vấn như sau: Ngày 26/5/2010, chúng tôi đăng ký kết hôn, cả hai đều đăng ký kết hôn lần đầu. Bố mẹ vợ tôi sở hữu một công ty gia đình rất lớn ở ngoài Bắc, đồng thời liên kết với một công ty khác cũng rất lớn của người chú ruột trong Nam. Hai công ty này bắt tay nhau thành lập thêm một công ty mới nữa vào thời điểm sau khi chúng tôi kết hôn. Ngày 25/10/2010 là ngày thành lập công ty này (ngày ghi trên Giấy phép kinh doanh đăng ký lần đầu của công ty). Ông chú góp cổ phần nhiều hơn đứng tên giám đốc, số cổ phần còn lại do vợ tôi đứng tên góp vốn. Tôi và vợ đều là phó giám đốc của công ty này. Bố mẹ vợ tôi giao cho hai vợ chồng điều hành quản lý công ty, xây dựng công ty phát triển để tạo sự nghiệp bền vững cho vợ chồng và con cái sau này. Bố mẹ vợ tôi đồng thời cũng cho chúng tôi tiền mua nhà riêng để ở ngay gần trụ sở công ty. Chúng tôi chuyển vào Nam sinh sống và điều hành công ty ngay sau đó. Ngày 04/8/2011, vợ tôi sinh một bé gái cho tôi. Chúng tôi quản lý và điều hành công ty liên tục phát triển nhiều năm sau đó. Đến khoảng đầu năm 2015, tôi phát hiện vợ tôi phản bội tôi. Sau cú sốc, tôi quyết định rời bỏ công ty ra ngoài làm việc. Tôi về nhà bố mẹ đẻ ở. Vợ tôi đệ đơn ly hôn lên Toà án. Ngày 30/6/2015 Toà án ra quyết định ly hôn. Trong đó mục tài sản chung và nợ chung: hai bên tự thỏa thuận nên không yêu cầu Toà án giải quyết. Con gái chung của chúng tôi còn nhỏ nên phải ở với mẹ. Đầu năm 2016, tôi kết hôn với người vợ hiện tại. Ngày 20/11/2016 vợ hiện tại của tôi sinh cho tôi được một bé trai. Tôi muốn lập di chúc thừa kế phần tài sản của tôi cho các con của tôi ngay từ bây giờ, đến khi các con tôi đủ 18 tuổi, chúng sẽ toàn quyền quyết định số tài sản đó. 

Tôi muốn hỏi Luật sư tư vấn các vấn đề sau: 

1. Tôi đang cầm bản photo sổ đỏ của nhà và đất (vợ cũ tôi đang giữ bản gốc) thì tôi có làm di chúc thừa kế cho các con tôi được không? Vợ cũ của tôi không đồng ý việc tôi thừa kế cho con mà đòi ra công chứng toàn quyền sử dụng cho cô ấy.‎

2. Công ty được thành lập sau khi chúng tôi kết hôn và chúng tôi không ký bất cứ giấy vay nợ tiền nào. Pháp luật có thể xác định chính xác số cổ phần mà vợ tôi đứng tên là bao nhiêu tại thời điểm vợ chồng ly hôn có phải không?

3. Cổ phẩn mà vợ tôi đứng tên đó có được chia một phần cho tôi sau ly hôn không? Tôi có thể làm di chúc thừa kế tài sản là cổ phần trong công ty đó cho các con của tôi được không? 

4. Trường hợp sau khi lập di trúc một vài năm, vợ hiện tại của tôi sinh thêm em bé thì tôi có thể thay đổi nội dung di chúc để chia lại tài sản cho các con được không? 

5.  Cụ thể thủ tục làm di chúc thừa kế cần những giấy tờ gì? Thủ tục thế nào? 

6. Chi phí dịch vụ lập di chúc thừa kế tại văn phòng luật sư là bao nhiêu? 

Hiện tại, tôi đang giữ các giấy tờ sau: 

+ Giấy đăng ký kết hôn bản gốc, ngày 26/5/2010

+ Giấy phép đăng ký kinh doanh photo công chứng của công ty, ngày 25/10/2010

+ Sổ đỏ thửa đất photo công chứng, cấp ngày 06/6/2011

+ Bìa hồng nhà ở lô phố (1 trệt, 1 lầu) photo công chứng, cấp ngày 08/6/2011

+ Sổ hộ khẩu bản photo công chứng 

+ CMND photo công chứng của chồng 

+ CMND photo công chứng của vợ 

+ Giấy khai sinh photo công chứng của con gái, ngày 04/8/2011 

+ Giấy khai sinh photo công chứng của con trai, ngày 20/11/2016 

+ Quyết định ly hôn của Toà Án bản gốc, ngày 30/6/2015

Tôi rất mong được Luật sư tư vấn trong thời gian sớm nhất. Trân trọng cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn cho Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề lập, sửa đổi di chúc

Di chúc thể hiện ý chí của cá nhân nên không cần giấy tờ gì khi tiến hành lập di chúc. Nếu di chúc không có công chứng, chứng thực thì người lập di chúc tự tiến hành soạn thảo văn bản di chúc, nếu di chúc có công chứng, chứng thực thì thực hiện theo thủ tục quy định tại Điều  636, Bộ luật dân sự năm 2015:

“Điều 636. Thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã.

Việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã phải tuân theo thủ tục sau đây:

1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.

2. Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.”

Về việc Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc Điều 640 BLDS 2015 quy định:

“1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.”

 

Thứ hai, Số cổ phần của vợ bạn có thể xác định được tại thời điểm vợ chồng bạn ly hôn theo Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần/Sổ cổ đông của doanh nghiệp.

Thứ ba, về việc chia tài sản sau ly hôn

Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung

Bạn có thể thoả thuận với vợ bạn về việc chia số cổ phần này cho bạn vì hai bạn không yêu cầu Tòa án chia tài sản khi ly hôn, nếu vợ bạn không đồng ý thì bạn có thể yêu cầu Tòa án phân chia lại tài sản nếu thấy không hợp lý. Trường hợp này nếu theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về Tài sản chung của vợ chồng thì số cổ phần đó là tài sản mà vợ cũ bạn có được trong thời kỳ hôn nhân nên đây là tài sản chung và khi Tòa án chia tài sản thì bạn sẽ được một nửa hoặc có tính đến các yếu tố quy định tại Khoản 2, Điều 51, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.” 

Thứ tư, Chi phí lập di chúc thừa kế và công chứng di chúc thừa kế tại văn phòng hiện tại là: 4.000.000 - 5.000.000 đồng.

Trân trọng !

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169