Phạm Diệu

Phân chia di sản thừa kế như thế nào khi một trong những đồng thừa kế mất tích?

Luật sư tư vấn về trường hợp tranh chấp di sản thừa kế là đất đai khi một trong những đồng thừa kế mất tích. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính gởi luật sư! Gia đình chúng tôi có một số vấn đề về tranh chấp đất đai giữa các thành viên anh em chú bác với nhau kính nhờ luật sư trợ giúp, xin thành thật biết ơn luật sư. Bà nội tôi có một mảnh đất và một ngôi nhà thuộc địa bàn phường 2 thị xã tây ninh Tỉnh Tây ninh, Sống với cô tám tôi tại đó. Sau đám cưới, má tôi về đây ở và cất nhà cạnh bên miếng đất đó sinh sống, cho đến lúc ba tôi mất má tôi vẫn ở đó ( trên 60 năm) Vì bà Nội và cô tám lần lượt ra đi đột ngột nên không để lại di chúc. Chú thím 6 ( em của ba tôi) trước đây cất nhà ở riêng tại huyện hòa thành tỉnh tây ninh hay tin nội mất vội vàng về lấy hết tài sản trong nhà nội và còn đòi chia đất, Vốn hiền lành và không muốn mất tình chị em nên má tôi quyết định chia mảnh đất làm ba phần: Má tôi , chú thím 6 và cô 10 tôi ( hiện có chồng và ra riêng ở bên pháp trước ngày giải phóng đất nước) mỗi người một phần. Sau khi chia đất xong thím 6 cất nhà ở trên phần đất của chú thím và cất luôn nhà ở cho con gái trên phần đất của cô 10 ở luôn cho đến nay cũng trên 20 năm nay. Má tôi và chị em tôi dù không đồng ý nhưng vẫn không ngăn cản vì chưa thấy vấn đề tranh chấp rõ ràng của thím 6. Nay tôi được biết, thím 6 đã làm đơn gởi cho UBND Phường 2 yêu cầu cấp giấy chủ quyền cho thím 6 phần đất của cô 10, Phần đất này không thuộc quyền sở hữu của thím 6, lấy lý do là cô 10 tôi mất….(Chúng tôi cũng không biết cô có mất hay không, vì từ lâu không liên lạc với nhau.). Không biết ý kiến UBND phường 2 giải quyết ra sao, nhưng lại cử cán bộ xuống đo đạt đất đai….nhờ như vậy chúng tôi mới được biết. Nay Má tôi cũng đã mất, phần  đất đai của má để lại chúng tôi cũng đã bán sau đó… Bức xúc trước việc làm của thím 6 chúng tôi muốn làm một đơn khiếu nại gởi đến UBND phường trình bày rõ ràng sự việc nhờ xem xét giải quyết vấn đề trên , và bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc làm này. Chúng tôi ân cần nhờ sự tư vấn hướng dẩn hết lòng của luật sư để anh chị em chúng tôi được hưởng những quyền lợi chính đáng từ phần tài sản này. Chúng tôi  tha thiết kính nhờ luật sư  giải đáp dùm chúng tôi một số vấn đề: Nội dung đơn yêu cầu chúng tôi cần nhấn mạnh điều gì làm thế mạnh? Như đã trình bày ở trên theo đúng pháp luật,  yêu cầu của anh chị em chúng tôi có được có được chấp thuận không? Quyền lợi của hai bên như thế nào? Má tôi ở cùng với nội trên mảnh đất đó trọn cả đời thì có được ưu tiên gì không so với chú thím 6 không ở chung với nội.? Cất nhà sống trên 20 năm trên mảnh đất dù không phải chủ quyền của mình thì có được ưu tiên cấp chủ quyền không? Nếu như không liên lạc được với gia đình cô 10 bên pháp chúng tôi có thể nhờ sự trợ giúp nào để được thắng kiện. Nếu như chưa có giấy báo tử hay giấy ủy quyền của cô 10 cụ thể về phần đất này theo pháp luật sẽ xữ lý ra sao? Chúng tôi có thể yêu cầu các cấp chính quyền cho hai bên thương thuyết hòa giải phân chia phần tài sản này trước sự chứng kiến của chính quyền không? Mọi việc đối với chúng tôi đều mù mịt nếu không có sụ trợ giúp  hết lòng của luật sư. Gia đình chúng tôi sớm mong được sự chỉ dẩn nhiệt tình của luật sư để tiếng nói của anh chị em chúng tôi có được sự mạnh mẻ thuyết phục được cấp trên, theo đúng luật pháp hiện hành. Mong được luật sư sớm chỉ dẩn dùm. Xin thành thật biết ơn. Lễ phép kính chào! 

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, chia di sản thừa kế theo pháp luật

 

Theo như thông tin anh cho biết, bà nội anh mất đột ngột không để lại di chúc nên di sản thừa kế của bà sẽ được chia theo pháp luật.

 

Căn cứ tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:     

                                                             

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Như vậy, phần di sản bà nội anh để lại sẽ được chia làm 3 phần cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà bao gồm: mẹ anh, chú 6 và cô 10. Những người này được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

Thứ hai, người thừa kế mất tích

 

Đối với trường hợp cô 10 có chồng và sang Pháp trước ngày giải phóng đất nước, từ đó đến nay không có liên lạc, cũng không biết còn sống hay đã chết. Vì thế, trong trường hợp này, trên phần đất đã chia cho cô 10 mà gia đình chú thím 6 tự ý xây nhà trên đó là sai. Để đảm bảo về lợi ích chung, gia đình có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố người cô mất tích.

 

Căn cứ vào Điều 68 Bộ luật dân sự 2015 quy định về điều kiện tuyên bố mất tích như sau:

 

1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

 

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

…”.

Khi tòa án tuyên bố một người mất tích sẽ xác định người quản lí tài sản cho người đó, theo quy định tại Điều 69 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

“Điều 69. Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích

 

Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này.

 

Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.”

 

Như vậy, sau khi Tòa án tuyên bố cô 10 mất tích thì đồng thời Tòa án cũng sẽ xác định một người thân thích sẽ là người quản lý phần đất là tài sản thừa kế của cô 10 và phải có nghĩa vụ giao lại phần đất này khi cô 10 trở về theo quy định tại khoản 4 Điều 66 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú:

 

“4. Giao lại tài sản cho người vắng mặt khi người này trở về và phải thông báo cho Tòa án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”

 

Trường hợp sau 3 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, thì gia đình có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người cô là đã chết theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Bộ luật dân sự 2015.

 

Về giải quyết tài sản của người tuyên bố là đã chết: Căn cứ tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

 

“2. Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.”

 

Căn cứ quy định trên, khi Tòa án tuyên bố người cô là đã chết thì phần đất là tài sản thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

 

         

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh