Phạm Việt Hằng

Nợ quá hạn phát sinh trách nhiệm gì?

Khi nợ quá hạn mà không có khả năng chi trả, dẫn đến ngân hàng khởi kiện là một trong những nỗi bận tâm lớn của người đi vay. Trên thực tế, hướng xử lý nợ quá hạn thực hiện như thế nào? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Tình huống sau đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.

Câu hỏi

Năm 2019 em có vay ngân hàng 30,000,000 VNĐ. Thời gian 24 tháng, mỗi tháng trả gốc và lãi là 2,064,000 VNĐ. Em đóng được 09 tháng thấy lãi cao quá em xin không đóng nữa trả tiền gốc, nhưng họ không cho. Em không đóng nữa tới hiện tại giờ tháng 5/2022 họ gọi điện báo trả tiền gốc là 20 mấy triệu nếu em không trả họ sẽ kiện ra toà. Nhưng giờ em thật sự không khả năng chi trả hơn 20 triệu. Vậy họ kiện em có bị đi tù không ạ?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

1. Nghĩa vụ thanh toán nợ quá hạn theo nội dung hợp đồng vay, hợp đồng bảo đảm

Bạn vay ngân hàng năm 2019, hiện nay là tháng 5/2022 bạn vẫn chưa thanh toán được khoản nợ gốc và lãi suất khi vay ngân hàng nên trường hợp của bạn được xem là trường hợp thanh toán nợ quá hạn theo quy định của pháp luật. Nợ quá hạn là tiền mà người vay mượn không trả đúng vào thời hạn quy ước phải trả tiền đã vay mượn cho các tổ chức tín dụng bao gồm cả tiền gốc lẫn tiền lãi. Khi đã đến hạn thanh toán hợp đồng vay theo như thỏa thuận về thời gian cho vay mà khách hàng không có khả năng thanh toán được tiền lãi và cả gốc thì được xếp vào nhóm nợ quá hạn.

Nợ quá hạn có thể được chia thành hai trường hợp sau đây:

- Nợ quá hạn có tài sản đảm bảo (vay thế chấp): Là khoản nợ mà người đi vay thế chấp (nhà cửa, bất động sản,.…) nhưng không trả được nợ và gốc khi đến hạn. Trường hợp này tuy ngân hàng chưa thu được tiền nhưng vẫn có thể thu hồi lại vốn dựa trên tài sản thế chấp.

- Nợ quá hạn không có tài sản đảm bảo (vay tín chấp): Là khoản nợ mà người đi vay không cần tài sản thế chấp và chưa trả được nợ và gốc khi đến hạn. Loại hình cho vay này mang đến nhiều rủi ro cho ngân hàng vì có nguy cơ mất trắng do không thể thu hồi tiền gốc.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng: “Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, thì tổ chức tín dụng có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng, thì khách hàng có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho tổ chức tín dụng.” Như vậy, khi nợ của bạn đã quá hạn mà bạn vẫn chưa thanh toán cho ngân hàng thì ngân hàng có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo như hợp đồng vay, hợp đồng đảm bảo cho khoản vay giữa bạn và ngân hàng. Lúc này, bạn cần xem xét lại hợp đồng vay, hợp đồng bảo đảm đã bao gồm các hình thức bảo đảm hay thế chấp nào và có trách nhiệm thực hiện theo hợp đồng đã xác lập.

Khi ngân hàng khởi kiện ra Tòa án, bạn có thể phải thanh toán các nghĩa vụ theo hợp đồng vay, hợp đồng bảo đảm. Bên cạnh đó, nếu trong hợp đồng có quy định về điều khoản phạt vi phạm thì bạn cũng phải có trách nhiệm thanh toán khoản phạt này cho phía ngân hàng theo quy định tại khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015: “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.”

2. Trách nghiệm hình sự có thể phát sinh?

Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03:

“a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn không có khả năng chi trả và chứng minh được số tiền bạn sử dụng không phải cho mục đích bất hợp pháp thì bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này ngân hàng vẫn chưa gửi đơn khởi kiện lên Tòa nên hướng giải quyết tốt nhất vẫn là bạn thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến nợ quá hạn, huy động nguồn vốn để chi trả từ người thân, tuân thủ hợp hợp đồng vay và hợp đồng bảo đảm để tránh phát sinh các trách nhiệm pháp lý khác.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia. Mọi thông tin, hồ sơ bổ sung kèm theo nếu có quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo