Phương Thúy

Chứng khoán là gì? Thị trường chứng khoán quy định thế nào?

Hiện nay thị trường chứng khoán tại Việt Nam đang có sự phát triển rõ rệt, điều này được biểu hiện thông qua việc số lượng các công ty chứng khoán thành lập ngày một nhiều, số lượng nhà đầu tư chứng khoán ngày một gia tăng với một hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục thuật hiện đại phục vụ cho sự phát triển của chứng khoản. Tuy nhiên, việc tham gia vào chứng khoán cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, vì vậy nhà đầu tư cần có những kiến thức pháp lý cơ bản về chứng khoán để tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Dưới đây là sự phân tích của Luật Minh Gia về chứng khoán từ và những khuyến nghị cho những người quan tâm đến chứng khoán nói chung và nhà đầu tư chứng khoán nói riêng. Luật Minh Gia hi vọng sẽ tháo gỡ được những nút thắt pháp lý cơ bản liên quan đến thị trường chứng khoán.

1. Chứng khoán là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 thì:

Chứng khoán là tài sản và liệt kê các loại chứng khoán bao gồm:

- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

- Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

- Chứng khoán phái sinh;

- Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Có thể thấy, Luật chứng khoán chỉ liệt kê các loại chứng khoán chứ không khái niệm về chứng khoán một cách rõ ràng, do đó khi tiếp cận về chứng khoán thì chúng ta có thể tiếp cận các khái niệm của từng loại chứng khoán được liệt kê từ khoản 2 đến khoản 9 của Điều 4 Luật chứng khoán 2019.

2. Đặc điểm của chứng khoán

- Thứ nhất, chứng khoán là tài sản

Do vậy, chủ sở hữu của chứng khoán có đầy đủ các quyền tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản. Tuy nhiên đây là một loại tài sản đặc biệt nên khi chủ sở hữu thực hiện các quyền tài sản thì phải tuân theo những quy định pháp luật nhất định.

- Thứ hai, chứng khoán được phát hành bởi một cơ quan, tổ chức

Cá nhân không được quyền phát hành chứng khoán, bởi lẽ: Theo quy định tại Điều 15 Luật chứng khoán về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và Điều 30 Luật chứng khoán về chào bán riêng lẻ thì chủ thể phát hành chứng khoán là tổ chức và phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Do đó, cá nhân không có quyền phát hành chứng khoán cho chính bản thân mình.

- Thứ ba, chứng khoán có tính thanh khoản

Tính thanh khoản của chứng khoán được thể hiện ở chỗ chứng khoán có thể chuyển đổi từ chứng khoán thành tiền mặt và từ tiền mặt thành chứng khoán. Thông thường những chứng khoán có tính thanh khoản cao là chứng khoán có thể dễ dàng mua đi bán lại trên thị trường, giá cả ổn định theo thời gian.

- Thứ tư, chứng khoán có tính rủi ro cao

Tính rủi ro của chứng khoán thể hiện ở việc giá trị của chứng khoán phụ thuộc phần lớn vào giá trị biến động trên thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị phát hành chứng khoán. Trong khi đó thị trường chứng khoán biến động rất mạnh từ các tin tức như giá xăng dầu, lãi suất, giá tiền tệ…kéo theo đó là sự giảm mạnh hoặc lên xuống thất thường giá trị của chứng khoán. Vì vậy nhà đầu tư rất khó có thể kiểm soát được giá trị của chứng khoán nên trường hợp giá chứng khoán bất ngờ giảm mạnh sẽ dẫn đến thiệt hại lớn cho chủ đầu tư.

- Thứ năm, chứng khoán có tính sinh lợi cao

Nguồn lợi thu được từ chứng khoán tương đối lớn tùy thuộc vào từng loại chứng khoán và sự biến động lớn của thị trường. Nếu nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu thì việc sở hữu càng nhiều cổ phiếu sẽ được tham gia vào quá trình điều hành, quản lý doanh nghiệp và tỷ lệ được chia lợi nhuận cao hơn những cổ đông khác. Ngoài ra nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động mua bán chứng khoán để hưởng chênh lệch đây cũng là phương thức mà nhà đầu tư chứng khoán chủ yếu sử dụng.

3. Quy định về thị trường chứng khoán

Nhà đầu tư nên làm gì khi tham gia vào thị trường chứng khoán?

Thị trường chứng khoán là tập hợp người mua, người bán chứng khoán, môi giới chứng khoán, nền tảng giao diện chứng khoán. Hiện nay thị trường chứng khoán ở Việt Nam khá sôi động khi số lượng người tham gia hoạt động đầu tư chứng khoán này một gia tăng ở tất cả các đối tượng trong xã hội. Tuy nhiên như đã phân tích nêu trên, hoạt động đầu tư chứng khoán tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nên nhà đầu tư cần cẩn trọng trong quá trình tham gia vào hoạt động đầu tư này. Luật Minh Gia đưa ra một số khuyến nghị sau đây để nhà đầu tư chứng khoán hay những chủ thể quan tâm đến chứng khoán có thể tham khảo:

- Tìm hiểu quy định pháp luật cơ bản về chứng khoán như điều kiện phát hành chứng khoán, mệnh giá phát hành chứng khoán, hình thức phát hành chứng khoán… để tự xác định cho mình về loại chứng khoán mà mình dự định mua có hợp pháp hay không?;

- Tìm hiểu về tổ chức phát hành chứng khoán nơi nhà đầu tư dự định mua như tình trạng pháp lý của tổ chức, khoản nợ, tài chính của tổ chức đó và các vấn đề khác liên quan đến tổ chức phát hành chính quán tùy thuộc vào từng loại chứng khoán;

- Theo dõi diễn biến trên thị trường chứng khoán thường xuyên để đưa ra những tính toán hợp lý hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia kịp thời để hạn chế những rủi ro mà loại chứng khoán mà nhà đầu tư đang sở hữu có thể gây ra;

- Trước khi quyết định đầu tư chứng khoán thì phải kiểm tra thông tin của tổ chức phát hành vì nhiều trường hợp nhà đầu tư đã trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo mà công cụ tội phạm sử dụng chính là chứng khoán;

Trên đây là những phân tích của Luật Minh Gia về chứng khoán và những khuyến nghị mà Luật Minh Gia muốn gửi đến Quý khách hàng, hi vọng có thể giải đáp được những thắc mắc của Quý khách hàng về chứng khoán.

Trân trọng./.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169