LS Vũ Thảo

Nhượng quyền thương hiệu cần làm thủ tục gì?

Nhượng quyền thương hiệu là gì? Khi tiến hành thủ tục nhượng quyền thương hiệu các bên cần lưu ý gì? Trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục nhượng quyền thương hiệu? Cá nhân kinh doanh chuỗi trà sữa muốn nhân rộng mô hình thêm bằng cách nhượng quyền thương hiệu được không?

1. Luật sư tư vấn về nhượng quyền thương hiệu

Nhượng quyền thương hiệu là một thuật ngữ không còn xa lạ trong những năm gần đây, nó là một chiến lược phổ biến được nhiều công ty lựa chọn khi mở rộng đầu tư, kinh doanh. Nhượng quyền thương hiệu được hiểu là hình thức kinh doanh mà một cá nhân hoặc tổ chức nào đó được sử dụng thương hiệu, tên sản phẩm, dịch vụ để kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định với khoản phí hay phần trăm lợi nhuận, doanh thu theo thỏa thuận. Thực tế hiện nay ngày càng có nhiều người có xu hướng khởi sự kinh doanh bằng việc mua nhượng quyền thương hiệu để làm ngay mà không cần bắt đầu xây dựng thương hiệu từ đầu. Tuy nhiên, nếu các bên khi tiến hành thủ tục nhượng quyền thương hiệu không nắm rõ quy định pháp luật thì có thể gặp rủi ro và phát sinh tranh chấp sau này.

Như vậy, để hạn chế những rủi ro không đáng có thì khi thực hiện nhượng quyền thương hiệu mỗi bên phải tìm hiểu thật kỹ quy dịnh Luật thương mại, luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành khác. Trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc đã tìm hiểu nhưng còn gặp vướng mắc liên quan đến việc nhượng quyền thương hiệu thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Nhượng quyền thương hiệu cần làm thủ tục gì?

Câu hỏi:

Thưa luật sư, mình muốn hỏi cá nhân kinh doanh chuỗi trà sữa muốn nhân rộng mô hình thêm bằng các nhượng quyền thương hiệu cho các bạn sinh viên thì phải chuẩn bị những gì? quy định về nhượng quyền thương hiệu thế nào, cụ thể:

Hiện tại mình đang kinh doanh chuỗi Trà sữa được gần 3 năm được 3 chi nhánh, vì mô hình cũng nhỏ nên không đăng ký giấy phép kinh doanh và thương hiệu độc quyền. Hiện tại Trà sữa của mình đã có lượng khách và thu nhập ổn định ...Mình muốn nhân rộng mô hình thêm bằng cách nhượng quyền( Đối tượng mình muốn hướng đến là các bạn sinh viên có đam mê về kinh doanh trà sữa) ... Cho mình hỏi phải chuẩn bị những gì để có thể nhượng quyền thương hiệu. Nếu nhượng quyền cho bên nhận quyền dạng xe đẩy quy mô nhỏ thì cần giấy phép kinh doanh không... Cảm ơn luật sư!! 

Trả lời tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi giải quyết như sau:

Thứ nhất, về vấn đề nhượng quyền thương hiệu

Trước hết bạn cần xác định bạn muốn nhân rộng mô hình kinh doanh thông qua hình thức chuyển giao quyền sử dụng hay chuyển nhượng quyền sở hữu đối với thương hiệu trà sữa của bạn.

Trường hợp bạn muốn nhân rộng mô hình kinh doanh nhưng bạn vẫn là người có quyền sở hữu với nhãn hiệu của mình thì bạn có thể làm thủ tục chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho người khác:

Theo đó, chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép một pháp nhân hoặc cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu của mình trên một vùng lãnh thổ nhất định trong một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, bạn không đăng ký nhãn hiệu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do đó thương hiệu trà sữa của bạn không được coi là đối tượng của hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu. Bạn và bên nhận chuyển giao có thể kí hợp đồng mang tính chất như hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, trong đó hai bên thỏa thuận về việc bên kia kinh doanh trà sữa dưới thương hiệu của bạn, trên một khu vực và trong một khoảng thời gian xác định.

Trường hợp bạn muốn nhân rộng mô hình kinh doanh bằng hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu:

Chuyển nhượng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa là việc chủ sở hữu chuyển giao hoàn toàn quyền sở hữu của mình đối với thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa đó cho tổ chức, cá nhân khác. Chủ sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu được độc quyền sử dụng chúng trong thời gian bảo hộ được quy định trong văn bằng bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tổ chức, cá nhân khác muốn sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu đang trong thời gian bảo hộ nhằm mục đích thương mại phải được chủ sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu cho phép.

Việc chuyển nhượng được thực hiện dưới hình thức ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (thương hiệu, nhãn hiệu).

Tại Khoản 9 Điều 1 Thông tư 18/2011/TT-BKHCN có quy định về thành phần hồ sơ chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp như sau:

a) 02 bản Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, làm theo mẫu 01-HĐCN quy định tại Phụ lục D của Thông tư này;

b) 01 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;

c) Bản gốc văn bằng bảo hộ;

d) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;

e) Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);

g) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)”.

Tuy nhiên, để thực hiện được hình thức này thì bạn phải có văn bằng bảo hộ đối với thương hiệu trà sữa bạn sáng lập. Khi đó bạn mới đủ điều kiện để nhượng quyền thương hiệu cho người khác.

Thứ hai, về vấn đề đăng ký kinh doanh

Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh cũng quy định những:

“1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.”

Theo đó, nếu không thuộc các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định trên thì người hoạt động thương mại có nghĩa vụ phải đăng ký kinh doanh. Trường hợp bên bạn muốn hợp tác kinh doanh dưới dạng xe đẩy, quy mô nhỏ thì sẽ không phải đăng ký kinh doanh. Đối với bạn, vì đã có hoạt động kinh doanh thường xuyên (3 năm), có mục đích tạo ra lợi nhuận và không thuộc trường hợp không phải đăng ký kinh doanh nên bạn có nghĩa vụ phải đăng ký kinh doanh.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169