Nhận tiền trả nợ do người khác lừa đảo có vi phạm quy định của pháp luật?
Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư.em sự việc liên quan đến việc người trả tiền cho em và nhân tiện nhờ em cho bạn ấy số tài khoản ngân hàng cá nhân để lấy tiền từ 1 người khác em không biết gửi vào tài khoản số tiền nhiều hơn số bạn thiếu em: sự việc như sau: em buôn bán với bạn A và A thiếu tiền hàng trong thời gian làm ăn chơi thân. Rồi vì chơi thân nên A nhờ vay giúp A số tiền 500.000.000 (năm trăm triệu đồng chẵn). Sau mấy ngày (theo lời của A khi hỏi vay là có việc cần trong mấy ngày), em gọi điện thoại hỏi lấy tiền trả cho người mà em đã hỏi mượn giúp cho A và A đồng ý trả nhưng vì gia đình A đi chơi xa mà khách hàng của A cũng đang thiếu tiền A nên nhân tiện A nhờ em là nhận giúp A khoản tiền nhiều hơn gấp mấy lần số tiền của A đang thiếu e. Em đã gửi số tài khoản cho A, hôm sau có khoản tiền về tài khoản cùng khi đó A gọi điện cho em nói số tiền mà A nhờ em nhận cũng như trên tài khoản là đủ, A nói là em ra ngân hàng lấy tiền về và phần A thiếu là 500.000.000 là trừ đi tiền A thiếu em, số còn lại gửi em mấy hôm về rồi lấy. Sau mấy ngày A điện thoại nói cho anh trai đến lấy số tiền còn lại. Khi giao tiền cho a trai A e gọi điện thoại cho A nói chuyện cùng anh trai A và xong thì bảo A nhắn tin vào máy điện thoại em là đã nhận đủ số tiền, cùng anh trai A cũng tương tự và em trừ số tiền 500.000.000 của A đi trả cho khoản tiền A mượn. Sự việc đến bây giờ là hơn 2 tháng thì có người đến gặp em theo số tài khoản ngân hàng cung cấp. Em không biết sự viêc hay tiền mà A nhờ em nhận hôm trước như thế nào cả. Hiện bên công an cho biết số tiền đó là lừa đảo và đề nghị em trả lại 500.000.000 nhưng A là người thiếu tiền em và là người trả em số tiền em cũng mang đi trả hết. Có đầy đủ giấy tờ bằng chứng cho việc A thiếu em và hiện A cũng đang được mời làm viêc tại công an và chồng em vì là chủ tài khoản nhận tiền gửi từ ai đó mà A nhờ em. Vậy luật sư giúp em trong trường hợp này chồng em có sao không? Số tiền A gửi trả em cũng đã trả vậy mà công an họ đòi phải trả lại mới thả chồng em. Xin luật sư giúp em xin cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
A có vay của bạn một khoản tiền trong quá trình làm ăn chung với bạn, bạn có đầy đủ chứng cứ chứng minh về việc A có vay tiền của mình nên quan hệ giữa bạn với A là quan hệ dân sự giữa bên cho vay và bên vay. A có nghĩa vụ phải trả lại cho bạn khoản tiền mà A đã vay của bạn. Việc A nhờ bạn nhận hộ số tiền thông qua tài khoản ngân hàng của chồng bạn và trừ đi số tiền A đã thiếu bạn không trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vì bên phía cơ quan điều tra đang thực hiện việc điều tra với hành vi lừa đảo của A có thể đặt ra trách nhiệm hình sự với chồng bạn nếu như khi A thực hiện hành vi lừa đảo có bàn bạc trước, hứa hẹn trước với bạn và chồng bạn, các bên cũng có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện tội phạm thì chồng bạn và bạn sẽ là đồng phạm với A trong việc phạm tội và cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như A theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
…”
Hoặc trường hợp giữa A và vợ chồng bạn không có sự bàn bạc, hứa hẹn trước cũng không có sự phối hợp chặt chẽ với A trong việc thực hiện tội phạm. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do một mình A thực hiện nhưng sau khi thực hiện xong hành vi này, A có nói với gia đình bạn và gia đình bạn có giúp A giữ hộ, trả nợ bằng số tài sản này thì chồng bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 323 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
“Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
…”
Nếu chồng bạn và bạn không thuộc hai trường hợp trên, tức là chồng bạn không phải là đồng phạm với A trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như không giúp A tiêu thụ hoặc chứa chấp số tiền do A thực hiện hành vi lừa đảo mà có thì sẽ không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với chồng bạn, việc cơ quan điều tra mời chồng bạn lên làm việc thì chỉ là để làm rõ về vụ việc của A chứ không phải để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài sản hay chứa chấp, tiêu thụ tài sản do A phạm tội mà có. Mối quan hệ giữa A và chồng bạn cũng chỉ là mối quan hệ về mặt dân sự, bạn có thể cung cấp những căn cứ chứng minh về việc A có nhờ bạn vay tiền của người khác với cơ quan Điều tra để chứng minh về mối quan hệ dân sự này. Cơ quan Điều tra không thể ra quyết định tạm giam chồng bạn nếu không có những chứng cứ chứng minh về hành vi phạm tội của chồng bạn, việc cơ quan điều tra yêu cầu bạn phải trả lại số tiền 500.000.000 đồng mới thả chồng bạn là không có căn cứ nếu trên thực tế chồng bạn không thực hiện những hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Trân trọng
Phòng tư vấn pháp luật Hình sự - Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất