LS Thanh Hương

Nhận thừa kế nhà đất đang thế chấp vay ngân hàng thế nào?

Kính gửi luật sư, gia đình tôi đang có một vấn đề liên quan tới quyền thừa kế đất đai của anh trai tôi đã mất nhưng tài sản thừa kế đang thế chấp ngân hàng để vay vốn. Tôi xin trình bày để mong nhận được sự tư vấn của luật sư ạ.

Bố mẹ tôi có 1 mảnh đất khoảng 200m2. Năm 2005-2006 do cần vốn làm ăn, để thuận lợi cho việc vay vốn bố tôi có tách sổ đỏ mảnh đất đứng tên bố mẹ tôi làm 2, 1/3 mảnh đất có căn nhà do bố mẹ tôi xây dựng đứng tên của bố mẹ tôi, còn lại 2/3 mảnh đất có 1 căn nhà cấp 4 bố tôi cho anh trai tôi đứng tên. Sau khi đứng tên sổ đỏ anh trai tôi đã mang quyển sổ đó đi thế chấp ngân hàng lấy tiền làm ăn. Năm 2008 bố tôi mất, nhưng ông ko để lại di chúc. Năm 2009 a trai tôi lại qua đời và cũng không để lại di chúc. Lúc này anh trai tôi đã có vợ và 1 con trai 4 tuổi (Anh trai tôi đứng tên sổ đỏ khi đã có vợ con rồi). Sau khi anh trai tôi mất, quyển sổ đó vẫn đang nằm tại ngân hàng nhưng chị dâu tôi từ chối đứng ra trả khoản nợ đó và đẩy khoản vay đó lại cho 3 chị em tôi. Sau khi anh trai tôi mất, chị dâu đi xuất khẩu lao động và bỏ luôn lại con trai cho mẹ và chị em tôi nuôi dưỡng.

Bốn năm sau khi đi XKLĐ về chị dâu tôi đòi hỏi được sang tên mảnh đất đứng tên anh trai tôi với ý đinh bán đi để đi XKLĐ tiếp nhưng khi đó chúng tôi vẫn chưa trả hết được số tiền nợ trong ngân hàng nên chưa thể mang sổ về. Chúng tôi có nói với chị dâu là nếu muốn lấy sổ về thì cầm tiền xuống để trả ngân hàng nhưng chị dâu tiếp tục từ chối, sau đó tiếp tục đi XKLĐ lần 2. Đến nay chị dâu tôi về và lại tiếp tục yêu cầu được sang tên mảnh đất đó nhưng mẹ tôi ko đồng ý vì muốn đến năm con trai anh tôi 18 tuổi sẽ để cháu đứng tên.

Vì vậy tôi xin hỏi:

1) Mảnh đất anh trai tôi đứng tên thời điểm mất đã bị thế chấp vay vốn ngân hàng và chị dâu tôi từ chối trả nợ khoản vay đó, 3 chị em tôi đã mất 6 năm để trả nợ món vay đó và chúng tôi có thể chứng minh cho việc đó thì chị dâu tôi còn có quyền được hưởng thừa kế hay không? Và chúng tôi những người đã đứng ra trả món nợ đó thì có quyền gì đối với mảnh đất đó?

2) Mẹ tôi vẫn còn sống và mảnh đất đó là của ông bà tôi cho bố mẹ tôi, chị dâu tôi về làm dâu 4 năm thì anh trai tôi mất nên chưa đóng góp bất cứ thứ gì trong phần tài sản của anh tôi để lại thì bây giờ mẹ tôi có thể lấy lại mảnh đất đã cho a trai tôi đứng tên không? Và cũng xin nói thêm là chị dâu tôi từ lúc anh trai tôi mất là 9 năm đã bỏ đi làm ăn xa, để lại con cho mẹ và chị em chúng tôi nuôi dưỡng, không đóng góp xây dựng bất cứ điều gì cho nhà chồng Tôi rất mong nhận được câu trả lời sớm của luật sư vì hiện tại c dâu tôi đang chuẩn bị về và muốn tranh chấp mảnh đất đó Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, bạn có cung cấp thông tin anh trai bạn "mang quyển sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng lấy tiền làm ăn" nhưng không trình bày rõ việc làm ăn này có sự tham gia của chị dâu bạn hay không, và giữa anh trai với chị dâu bạn có tổn tại thỏa thuận rằng sẽ cùng hưởng lợi nhuận từ việc làm ăn và có chung nghĩa vụ trả nợ số tiền này từ ngân hàng hay không. Nếu giữa anh trai và chị dâu bạn có tồn tại thỏa thuận này thì ta có thể xác đinh nghĩa vụ trả nợ là nghĩa vụ chung của vợ và chồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 37 - Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

Theo đó, Nếu giữa anh trai và chị dâu bạn có tồn tại thỏa thuận cùng quyết định đem sổ đỏ đi vay thế chấp để lấy tiên làm ăn, thì chúng tôi xác định, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng là nghĩa vụ chung của cả vợ và chồng anh trai bạn do đây là giao dịch do tuy sử dụng sổ đỏ đứng tên anh trai bạn để vay thế chấp, nhưng anh trai và chị dâu bạn đã cùng thỏa thuận xác lập.

Lúc này, anh trai và chị dâu bạn có trách nhiệm liên đới trong việc trả nợ cho ngân hàng, theo đó sau khi anh trai bạn chết, Ngân hàng có quyền yêu cầu chị dâu bạn phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của cả hai vợ chồng. Theo yêu cầu của Ngân hàng, mẹ bạn có trách nhiệm thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng. Khi đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ với Ngân hàng, chị dâu bạn có quyền yêu cầu “người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình”. Tuy nhiên, vì anh trai bạn đã chết nên việc thực hiện phần nghĩa vụ tài sản của anh trai bạn được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 615 Bộ luật Dân sự về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. 

Thứ hai, nếu giữa anh trai và chị dâu bạn không có thỏa thuận cùng xác lập giao dịch vay thế chấp ngân hàng, thì trường hợp của gia đình bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trong trường hợp anh trai bạn mất mà không để lại di chúc, thì phần di sản anh trai bạn để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, vợ, con và mẹ của anh trai bạn là những người được hưởng thừa kế, với mỗi phần di sản bằng nhau. Chị dâu bạn tuy không có đóng góp gì cho gia đình và bỏ đi xuất khẩu lao động trong thời gian dài nhưng về mặt pháp lý thì vẫn là vợ của anh trai bạn và vẫn có quyển hưởng thừa kế.

Tuy nhiên, Tại Điều 615 – Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Do vậy, anh bạn mất khi vẫn còn đang nợ ngân hàng, thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm trả số nợ đó trong phạm vi phần di sản thừa kế được hưởng. Tức là những người có nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng là mẹ, chị dâu và cháu trai của bạn dựa trên phần giá trị di sản mà anh trai bạn để lại.

Nghĩa vụ trả nợ ngân hàng cho khoản vay thế chấp anh trai bạn để lại là nghĩa vụ chung của cả mẹ bạn, chị dâu và con trai anh bạn (lúc này chưa thành niên thì sẽ thực hiện thông qua người đại diện). Mỗi người được hưởng thừa kế sẽ có trách nhiệm trả phần nợ tương ứng với số di sản được nhận. Mà ở đây do thừa kế theo pháp luật nên mỗi phần nghĩa vụ trả nợ là như nhau.

Việc chị dâu bạn từ chối thực hiện trả nợ ngân hàng mà vẫn muốn được sang tên mảnh đất là không phù hợp với quy định của pháp luật. Hơn nữa, mẹ và cháu trai bạn cũng có quyền thừa kế với mảnh đất này nên chị dâu bạn không thể tự ý đòi đứng tên mảnh đất mà không có sự đồng ý của mẹ bạn.

Nếu chị dâu bạn muốn được đứng tên sổ đỏ với mảnh đất đang vay thế chấp đó thì  phải được sự đồng thuận của mẹ bạn - tức người cũng đang có quyền thừa kế với một phần mảnh đất này. Và người chị dâu cần đền bù cho mẹ bạn một số tiền tương ứng với phần di sản mà nhẽ ra mẹ bạn được hưởng trừ đi phần thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng dựa trên phần di sản đó.

Thực chất, chị em bạn không có nghĩa vụ phải trả số nợ từ việc thế chấp mảnh đất với ngân hàng, nhưng chị em bạn đã thực hiện trả số nợ này trong suốt 6 năm qua. Do vậy, để đảm bảo căn cứ về mặt pháp luật bạn nên soạn một văn bản thỏa thuận về việc đã thực hiện trả nợ và yêu cầu những người có trách nhiệm thanh toán lại số tiền mà bạn thực hiện nghĩa vụ thay họ.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn