Nguyễn Thị Thùy Dương

Nhận được tiền chuyển khoản nhầm có được sử dụng không?

Hiện nay, việc thanh toán, chuyển tiền qua các app ngân hàng điện tử, ví điện tử đang ngày càng phổ biến. Do đó, việc chuyển khoản nhầm không còn là vấn đề hiếm gặp hiện nay.

1. Nhận được tiền chuyển khoản nhầm có được sử dụng không?

Trường hợp nhận được tiền chuyển khoản nhầm từ người khác chuyển đến thì việc có được số tiền này được xác định là một trường hợp được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 579 Bộ luật dân sự 2015 thì người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật có nghĩa vụ phải hoàn trả tài sản, cụ thể quy định như sau:

“Điều 579. Nghĩa vụ hoàn trả

1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

…”

Từ đó, có thể thấy khi nhận được một số tiền do người khác chuyển nhầm người nhận được số tiền này không được tự ý rút tiền để tiêu mà phải có nghĩa vụ hoàn trả cho chủ sở hữu tài sản, nếu không tìm được chủ sở hữu thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định. Người nhận chuyển khoản nhầm chỉ được sở hữu,  sử dụng số tiền chuyển nhầm nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 236 Bộ luật dân sự, cụ thể: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Trường hợp sau khi phát hiện chuyển tiền nhầm, người chuyển tiền nhầm chứng minh được việc chuyển nhầm và có yêu cầu người nhận được số tiền hoàn trả lại cho mình mà người nhận tiền chuyển nhầm không hoàn trả thì người nhận tiền có thể bị xử lý theo pháp luật.

Lúc này, hành vi không trả tiền có thể coi là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, tùy từng số tiền, tùy từng hành vi cụ thể mà người nhận chuyển tiền nhầm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng hoặc nếu số tiền chiếm giữ trái phép từ 10 triệu đồng trở lên, đã được người chuyển tiền nhầm, các cơ quan có thẩm quyền liên hệ yêu cầu hoàn trả số tiền mà bên nhận chuyển tiền nhầm cố tình không trả thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Tóm lại, trong trường hợp nhận được số tiền lạ chưa xác định người nhận tiền không nên tự ý sử dụng, hoặc nếu đã sử dụng thì khi có thông báo của người chuyển khoản xác định số tiền số tiền chuyển khoản là chuyển nhầm thì người nhận tiền nên hoàn trả để tránh các rủi ro pháp lý xảy ra đối với mình.

2. Giải quyết tình huống: 

"Luật sư cho tôi hỏi: sổ đỏ đúng tên bố chồng tôi. Vợ chồng tôi là người nuôi dưỡng bố tôi giờ bố tôi đã chết rồi thì vợ chồng tôi dc hưởng thừa kế không ạ."

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi nội dung cần tư vấn, giải đáp đến công ty Luật Minh Gia, với nội dung bạn hỏi trên, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Bộ luật dân sự, khi một người chết đi sẽ phát sinh vấn đề phân chia di sản thừa kế đối với di sản do người chết để lại. Di sản thừa kế ở đây sẽ bao gồm tài sản chung của người chết với người khác và các tài sản riêng của người chết để lại. Việc phân chia di sản này có thể được phân chia theo pháp luật hoặc phân chia theo di chúc. Từ đó, áp dụng với trường hợp của bạn như sau:

Trường hợp bố bạn chết có để lại di sản là sổ đỏ do bố bạn đứng tên, trước tiên cần xác định di sản này là tài sản riêng của bố bạn hay tài sản chung của bố với mẹ. Nếu đây là tài sản chung của bố với mẹ và bố chỉ đại diện đứng tên trên Giấy chứng nhận thì khi bố chết tài sản này phải được chia đôi ½ tài sản thuộc sở hữu của bố, ½ tài sản thuộc sở hữu của mẹ, phần ½ tài sản thuộc sở hữu của bố sẽ là di sản thừa kế. Trường hợp toàn bộ mảnh đất là tài sản riêng của bố thì toàn bộ tài sản này sẽ trở thành di sản thừa kế. Việc phân chia di sản thừa kế của bố bạn sẽ được xét trong hai trường hợp như sau:

  • Trường hợp 1: Bố bạn mất có để lại di chúc và di chúc này hợp pháp

Trong trường hợp bố bạn có để lại di chúc hợp pháp trong đó có thể hiện nội dung để toàn bộ phần di sản thừa kế của bố bạn cho vợ chồng bạn, đồng thời tại thời điểm bố bạn chết không có người thừa kế nào thuộc diện người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc gồm vợ, bố, mẹ, con chưa thành niên hoặc con thành niên không có khả năng lao động thì toàn bộ di sản của bố bạn sẽ được để lại cho vợ chồng bạn theo nội dung di chúc. Lúc này vợ chồng bạn có thể thực hiện các thủ tục hưởng thừa kế và sang tên di sản cho mình đứng tên.

  • Trường hợp 2: bố bạn chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp

Trường hợp này di sản thừa kế của bố bạn sẽ được phân chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 bao gôm vợ hợp pháp, bố, mẹ và tất cả các con. Mỗi người được hưởng một phần di sản bằng nhau.

Như vậy, trường hợp di sản thừa kế phân chia theo pháp luật thì về nguyên tắc sẽ được phân chia đều cho những người thừa kế mà không phụ thuộc vào công sức chăm sóc bố, việc có ở với bố khi bố còn sống hay không. Do đó, trường hợp vợ chồng bạn có ở cùng và chăm sóc bố khi còn sống cũng không phải là căn cứ để được hưởng toàn bộ di sản thừa kế theo pháp luật khi bố chết.

Vợ hoặc chồng bạn sẽ được hưởng toàn bộ di sản nếu không còn người thừa kế nào khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất từ chối hưởng di sản thừa kế hoặc đồng ý tặng cho lại phần thừa kế của mình cho vợ, chồng bạn hoặc  vợ, chồng bạn chứng minh được những người thừa kế cùng hàng thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo Điều 621 Bộ luật dân sự 2015.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn