Nguyễn Thị Thùy Dương

Nhận chuyển khoản nhầm không trả lại có vi phạm?

Chuyển khoản đã trở thành phương thức thanh toán, giao dịch phổ biển hiện nay. Do đó, việc chuyển khoản nhầm không còn là vấn đề hiếm gặp. Trong trường hợp này, phần lớn mọi người khi nhận chuyển khoản nhầm đều sẽ trả lại cho chủ tài khoản, nhưng một số khác, dù rất ít lại không trả lại mà muốn chiếm hữu số tiền này.

1. Nhận tiền chuyển khoản nhầm không trả lại có vi phạm?

Quyền chiếm hữu là một trong những quyền cơ bản của chủ sở hữu. Do đó, chủ sở hữu đương nhiên là người có quyền chiếm hữu. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Dân sự 2015, ngoài chủ sở hữu, những người sau đây cũng có quyền chiếm hữu hợp pháp:

- Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

- Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

- Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời, Khoản 2 Điều 165 nêu trên cũng khẳng định rằng: “Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.”

Theo những phân tích nêu trên, việc người chiếm hữu (chiếm giữ) tiền do nhận chuyển khoản nhầm không phải là người có quyền chiếm hữu hợp pháp. Do đó, đây là việc chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Hay nói cách khác, hành vi nhận chuyển khoản nhầm mà không trả lại là hành vi vi phạm quy định pháp luật.

2. Xử lý hành vi nhận tiền chuyển khoản nhầm không trả lại

Thứ nhất, về trách nhiệm hành chính

Điểm đ Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi chiếm giữ tài sản của người khác như sau:

“Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

[…] đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác […]”

Thứ hai, về trách nhiệm hình sự

Tại Điều 176 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, tùy từng trường hợp và số tiền cụ thể, người nhận chuyển nhầm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không trả lại số tiền do nhận chuyển khoản nhầm.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169