LS Vũ Thảo

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn đăng ký kết hôn tại Việt Nam cần giấy tờ gì?

Hiện nay, trong xu thế toàn cầu hóa, nhiều hoạt động đã vượt qua ngoài biên giới quốc gia và quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài khá đa dạng, phức tạp, đòi hỏi các bên phải nắm rõ quy định pháp luật. Do đó, thực tế nhiều trường hợp còn lúng túng, và gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ để hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn.

1. Luật sư tư vấn quy định về kết hôn có yếu tố nước ngoài

Hiện nay, nhu cầu kết hôn giữa người nước ngoài và công dân Việt Nam ngày càng gia tăng nhưng không phải ai cũng nắm rõ được quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, quá trinh thực hiện thủ tục các bên còn nhiếu vướng mắc, và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi rơ cao về mặt pháp lý do sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế. 

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài và muốn đảm bảo tối đa quyền lợi của mình thì bạn phải tìm hiểu thật kỹ hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề này. Trường hợp bạn không có thời gian để tự tìm hiểu thì bạn có thể gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia hoặc Gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn pháp luậ trực tuyến để được hướng dẫn tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Câu hỏi: Chào Luật Sư Minh Gia. Mẹ Tôi 42 tuổi hiện đang sinh sống tại nước S, có giấy tờ vĩnh trú. Mẹ tôi muốn về Việt Nam để tái hôn thì cần những giấy tờ gì? Mong quý Luật Sư tư vấn giúp! Hồ sơ mẹ tôi đã chuẩn bị bao gồm: 

1- Quyết định li hôn của toà án với đời chồng trước tại nước S (có kèm theo bản dịch công chứng sang tiếng VN) 

2- Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân do Lãnh Sự Quán Việt Nam tại X cấp 

3- Chứng minh nhân dân tại VN 

4- Giấy khám sức khoẻ  

5- Thẻ cư trú tại S (bị UBND huyện yêu cầu dịch và công chứng qua tiếng VN) 

6- Hộ chiếu 

Nhưng vẫn bị bên UBND huyện từ chối và đòi hỏi thêm giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân phía S cấp. Do mẹ tôi quốc tịch VN nên bên phía Uỷ Ban quản lí hộ tịch S từ chối cấp giấy này do không thuộc phạm vi quản lí của họ. Mong Luật Sư tư vấn giúp bên UBND huyện có làm đúng luật? Cảm ơn Luật Sư đã đọc email! Mong sớm nhận được hồi đáp. Thân Chào!

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì mẹ bạn là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (có giấy tờ vĩnh trú tại nước S). Trường hợp mẹ bạn muốn đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì mẹ bạn phải nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.

Giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Cụ thể:

“Người yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, nộp giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định sau:

1. Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký kết hôn thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định này.

Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện thì người yêu cầu đăng ký kết hôn đang cư trú ở trong nước phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định này…”

Theo đó, mẹ bạn làm thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện thì mẹ bạn cần xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, CMND, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân.

Hồ sơ đăng ký kết hôn theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật hộ tịch 2014, Điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Điều 19 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP, bao gồm:

- Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định)

- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình

- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi công dân Việt Nam cư trú 

- Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu

- Bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn.

Như vậy, trường hợp mẹ bạn đã có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi mẹ bạn cư trú tại S  thì theo quy định trên không cần thiết phải có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do nước S cấp. Nếu UBND huyện từ chối nhận hồ sơ và yêu cầu mẹ bạn phải cung cấp thêm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do nước S cấp thì mẹ bạn có thể yêu cầu UBND trả lời bằng văn bản và nêu rõ căn cứ pháp lý để không nhận hồ sơ của mẹ bạn. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo