Nguyễn Thị Lan Anh

Người vay nợ ngân hàng đã mất khoản vay giải quyết thế nào?

Khi tiến hành vay tài sản, thì bên vay có nghĩa vụ hoàn trả cho bên cho vay. Tuy nhiên, trường hợp người vay tiền mất thì khoản nợ này phải giải quyết ra sao? Trách nhiệm thuộc về chủ thể nào?

Hiện nay, nhu cầu vay vốn ngân hàng của các cá nhân, tổ chức ngày càng lớn, kéo theo nhiều tranh chấp phát sinh. Một trong số đó là rủi ro người vay tiền mất đi trước khi hoàn thành nghĩa vụ. Vậy, nếu rơi vào trường hợp này thì giải quyết ra sao? Để tìm hiểu vấn đề này bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ:

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống thực tế chúng tôi tư vấn sau đây:

Câu hỏi:

Xin chào luật sư. Rất mong nhận được sự tư vấn từ luật sư. Tôi xin được trình bày trường hợp của mình như sau: Ông A và bà B có hai người con trai (em lớp học lớp 6, em nhỏ học lớp 4). Vào đầu năm 2018, họ có vay của ngân hàng một khoản tiền khoảng 200 triệu đồng để xây nhà. Ông A và bà B sử dụng để xây và vào nhà mới từ tháng 9 năm 2019. Vừa qua không may đã qua đời trong một vụ thản sát do tai nạn, hiện tại cả hai vợ chồng đã qua đời và chỉ còn lại hai đứa con nhỏ và khoản nợ ngân hàng khoảng 200 triệu, vậy trường hợp của Ông A và bà B sẽ được giải quyết như thế nào, và khoản tiền lãi hàng tháng phải trả sẽ ra sao ạ? Rất mong nhận được thư hồi đáp từ quý luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn ạ!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì gia đình ông A đã vay một khoản tiền từ ngân hàng, theo đó giữa hai bên đã xác lập một hợp đồng vay. Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hợp đồng vay tài sản:

 Điều 463. Hợp đồng vay tài sản:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Nghĩa vụ trả nợ khi người vay tài sản đã chết được thể hiện trong quy định tại Điều 615 – Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Trong trường hợp người vay mất, tài sản để lại được xác định là di sản thừa kế. Đồng thời, khi ông bà mất không để lại di chúc nên phần tài sản này sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất  theo quy định tại Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015, cụ thể:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.

Do đó, mặc dù ông A và bà B đã mất nhưng phía ngân hàng vẫn có thể yêu cầu những người thừa kế trả nợ trong phạm vi phần họ được thừa kế. Theo đó, những người được thừa kế này phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản do người chết để lại. Về thứ tự ưu tiên thanh toán được giải quyết như sau: 

“Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.

3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.

4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.

5. Tiền công lao động.

6. Tiền bồi thường thiệt hại.

7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.

9. Tiền phạt.

10. Các chi phí khác”.

Như vậy, số tiền mà ông A và bà B vay ngân hàng sẽ được thanh toán bằng di sản mà họ để lại. Sau khi thanh toán những khoản nợ trên thì những người theo hàng thứ kế thứ nhất sẽ được thừa hưởng phần di sản còn lại. Vì vậy, nếu những người thừa kế không có thỏa thuận trả nợ trước để giữ lại di sản thì sẽ bị ngân hàng tiến hành kê biên và thanh toán với phần nợ tương ứng, phần giá trị còn lại sau khi thanh toán khoản nợ trên sẽ được chia cho bố mẹ và các con của ông  A và bà B.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn