Trần Phương Hà

Lái xe thuê gây tai nạn trách nhiệm bồi thường thế nào?

Trong quá trình làm việc nhiều trường hợp người lao động không thể tránh khỏi việc gây thiệt hại cho doanh nghiệp, đơn vị sử dụng người lao động hoặc các nhân tổ chức khác. Vậy trường hợp nào người lao động phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Mức bồi thường thiệt hại được pháp luật hiện nay quy định như thế nào?

1. Tư vấn quy định về bồi thường thiệt hại

Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức, phương thức. Mức bồi thường bao gồm: bồi thường về tài sản, sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm. Vậy văn bản nào quy định cụ thể về bồi thường trong trường hợp người lao động gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao?

2. Lái xe thuê cho công ty gây tai nạn quy định định về bồi thường thế nào?

Câu hỏi:

Kính gửi tổng đài tư vấn pháp luật. Hiện nay tôi đang công tác cho một doanh nghiệp logistics. Tôi có một thắc mắc như sau xin được tổng đài tư vấn. Khi người lao động điều khiển một xe đầu kéo container trị trá 1,7 tỷ đồng trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường cho công ty do sơ xuất để gây ra tai nạn gây thiệt hại về tài sản cho người thứ 3 là 200 triệu đồng và thiệt hại về phương tiện đầu kéo container là 500 triệu đồng tổng là 700 triệu đồng. Trong đó bảo hiểm bồi thường chỉ được mức 100 triệu đồng theo quy định của công ty là mức thiệt hại sau khi được bảo hiểm bồi thường sẽ là 30% công ty chịu và 70% tài xế lái xe chịu.

Vậy trong trường hợp này tài xế phải chịu mức bồi thường là 600x70%=420 triệu đồng và công ty chịu 180 triệu đông. Cho tôi hỏi vậy việc người lao động chịu mức phạt như vậy là có đúng quy định không? vì đó là con số nhỏ vậy trường hợp con số lớn hơn thì người lao động sao thanh toán được hết.

Luật sư tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

- Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lái xe gây ra

Theo quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra như sau:

Điều 597. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 600 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

Điều 600. Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra

Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên pháp nhân, cá nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình như người làm công, người học nghề trong khi thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu với trường hợp của bạn, người lao động điều khiển một xe đầu kéo container trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường cho công ty do sơ xuất để gây ra tai nạn gây thiệt hại về tài sản cho người thứ 3 là 200 triệu đồng và thiệt hại về phương tiện đầu kéo container là 500 triệu đồng tổng là 700 triệu đồng. Trong đó bảo hiểm bồi thường chỉ được mức 100 triệu đồng theo quy định của công ty là mức thiệt hại sau khi được bảo hiểm bồi thường sẽ là 30% công ty chịu và 70%.

Như vậy, có thể thấy, việc người lao động gây thiệt hại cho bên thứ ba xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc do công ty giao. Căn cứ theo quy định trên thì công ty sẽ có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba là bên người lao động gây thiệt hại và sẽ có quyền yêu cầu người lao động có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

- Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Căn cứ theo quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

''1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên người lao động gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ do công ty giao thì công ty và người lao động sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba căn cứ vào mức độ lỗi của hai bên. Việc xác định thiệt hại sẽ bao gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút ,…; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm,…

Do đó, khoản tiền mà người lao động bỏ ra không phải là khoản tiền phạt mà là khoản bồi thường cho người bị hại. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận với nhau, hiện tại pháp luật không có quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường giữa người lao động và người sử dụng lao động khi người lao động gây thiệt hại.

---

3. Trách nhiệm bồi thường dân sự và hình sự khi lái xe gây tai nạn giao thông thế nào?

Câu hỏi:

Chào luật sư, Em nhờ luật sư tư vấn giúp em về vấn đề lái xe gấy tai nạn, bồi thường thiệt hại như sau: Chị gái em trên đường đi làm về không may bị xe tải lấn tuyến đâm từ phía sau dẫn đến tử vong. Sau khi đâm vào tài vẫn cho xe bỏ chạy bị người dân đuổi kịp và bắt giữ được. Xe máy bi hư hỏng nặng. Chủ xe tải là của doang nghiệp còn lái xe chạy thuê cho doanh nghiệp kia. 

Trong quá trình lo mai táng cho chị thì 2 ngày sau nhà xe có đưa sang 10 triệu và gia đình tài xế đưa 20 triệu để lo mai táng, trong khi đó chi phí mai táng hết khoảng 80 triệu.

Vậy em muốn biết chi phí mai táng bên nào phải chịu trách nhiệm và mức bồi thường cho người chết là bao nhiêu? nhà xe hay người gây tai nạn phải trả mọi chi phí bồi thường và sau khi bồi thường rồi người gây tai nạn có phải đi tù hay không? Em xin chân thành cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau

- Về xác định bồi thường thiệt hại và mức bồi thường do tai nạn giao thông

Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 xác định các khoản bồi thường khi tính mạng bị xâm pham như sau

"Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."

- Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Nếu người lái xe gây tai nạn trong khi thực hiện công việc của doanh nghiệp giao thì doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công của mình gây ra cho người bị hại theo Điều 600 Bộ luật dân sự 2015 (về bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra). Sau đó doanh nghiệp có quyền yê cầu người lái xe hoàn trả tiền

- Trách nhiệm hình sự sau khi đã bồi thường

Nếu người lái xe gây tai nạn do có các hành vi vi pham về an toàn giao thông đường bộ dẫn đến cái chết cho chị gái bạn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình 2015 

"Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 

a) Làm chết người; 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 

...."

Theo Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 , các tội phạm chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại  bao gồm

"Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức."

Như vậy, nếu người lái xe phạm tội theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 thì kể cả khi đã thực hiện việc bồi thường thì vẫn sẽ bị khởi tố nếu thấy rằng có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Trên đây là bài tư vấn về vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người lao động gây ra trong quá trình thực hiện công việc. Nếu bạn còn vướng mắc, muốn tư vấn cụ thể trường hợp của mình thì hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo