Người điểu khiển máy xúc gây tai nạn thì xử lý như thế nào?
Nội dung tư vấn: Thân chào văn phòng Luật Minh Gia.
Cho tôi xin tư vấn về 1 sự việc như sau: Vào khoảng 9h40 phút ngày chủ nhật 26/5/2019, trên đường bố mẹ tôi đi chợ về có va chạm vào 1 chiếc máy xúc của tư nhân đang làm việc giữa phần nửa đường của họ. Bố tôi đi bên đường của bố tôi nhưng do tình huống bố tôi ko xử lí kịp nên có va chạm vào máy đó cả bố tôi và mẹ tôi bị văng ra, bị đau và chảy máu. Trước tình hình đó mọi người gần đó và lái máy đã đưa bố tôi đi cấp cứu. Khi chúng tôi được biết tin tình hình nghiêm trọng như vậy cũng chỉ kịp về để lo cấp cứu cho bố tôi qua cơn nguy kịch. Trong ngày hôm đó vào khoảng 16h30 phút, anh em tôi có về hiện trường thì mọi người và chủ phương tiện máy xúc đã dẹp bỏ hiện trường. Trong lúc nguy kịch vì bố tôi đang trong tình trạng nguy hiểm anh em tôi cũng chỉ chăm lo quanh việc cấp cứu cho bố tôi nên không trình báo cơ quan công an.
Giờ tôi muốn trình báo sự việc và nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra có được không?
Mong văn phòng luật sư giúp đỡ tôi sớm nhất ạ.
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ thông tin bạn cung cấp, khi xảy ra tai nạn giao thông gia đình bạn chưa trình báo cơ quan công an để khám nghiệm hiện trường, xác định lỗi của các bên. Do đó, nếu nhận thấy người điều khiển máy xúc có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì bạn có thể tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
...”
“Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
...
4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
...”
Bạn có thể tố giác hành vi phạm tội đến các cơ quan theo quy định tại Điều 05 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN-PTNT-VKSNDTC về trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:
“1. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:
a) Cơ quan điều tra;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
c) Viện kiểm sát các cấp;
d) Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác”.
Theo đó, căn cứ vào tin báo, tố giác tội phạm của gia đình bạn, cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh các tình tiết, sự kiện liên quan đến vụ việc va chạm. Nếu có đủ căn cứ chứng minh người lái máy xúc vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ dẫn đến một trong các hậu quả theo quy định tại Điều 260 nêu trên thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo trình tự, thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Trường hợp không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự người lái máy xúc mà có căn cứ chứng minh thiệt hại xảy ra do trục trặc kĩ thuật trong quá trình vận hành chiếc máy xúc thì khi đó chiếc máy xúc được coi là nguồn nguy hiểm cao độ và bố của bạn có thể được bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015:
“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”
Tuy nhiên, trong trường hợp nếu lỗi hoàn toàn là do lỗi của bạn thì bố của bạn sẽ không được hưởng bồi thường điểm a Khoản 3 quy định nêu trên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng
Phòng Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự - Công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất