Hoàng Thị Kim Lý

Người đã có vợ có được nhận con ngoài giá thú khi người vợ chưa đồng ý không?

Em trai tôi đang trong hôn nhân. Và có con với người phụ nữ. Và sau đó có kết quả ADN. Quan hệ này em dâu tôi không biết cho tới khi cô ấy phát hiện ra thì em trai tôi đã làm giấy khai sinh mang họ của cậu ấy, mặc dù hoàn toàn dấu vợ.

 

Câu hỏi tư vấn: Vậy tôi muốn hỏi: Em trai tôi muốn nhận cha con có cần có sự đồng ý của người vợ hợp pháp không? Và giấy khai sinh này không có sự đồng ý của người vợ thì có hợp lệ không? Nếu pháp luật cho phép thì đương nhiên là tạo điều kiện cho các ông chồng nghiễm nhiên được pháp luật bao che hành vi ngoại tình làm tan nát gia đình. Tôi mong luật sư sớm trả lời trường hợp này. Tôi xin trân trọng cám ơn luật sư rất nhiều ạ.

 

Trả lời: Chào bạn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty luật Minh Gia. VỚi trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

 

Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tuc đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:

 

1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

 

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

 

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

 

Điều 16 Luật này quy định về thủ tục đăng ký khai sinh:

 

1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

 

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

 

Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

 

Như vậy, đối với con ngoài giá thú (con ngoài thời kỳ hôn nhân) muốn trong giấy khai sinh thể hiện thông tin của người cha thì người cha buộc phải làm thủ tục nhận cha, con. Trong thủ tục nhận cha con và thủ tục khai sinh cho con ngoài giá thú chỉ cần có sự đồng ý của cha, mẹ ruột đứa bé, không đề cập đến sự đồng ý của người vợ hợp pháp trong trường hợp bên chồng đã có vợ. Nên việc người chồng làm thủ tục nhận con và để con ngoài giá thú mang họ của mình là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Ở đây, không phải quy định này bao che cho hành vi ngoại tình mà là quy định bảo vệ quyền lợi của đứa trẻ mới sinh ra. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

Thùy Dương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn