Người bị tố giác có quyền mời luật sư không?
1. Khái niệm về người bị tố giác
Hiện tại pháp luật hiện hành chưa có quy định về người bị tố giác, tuy nhiên theo khoa học pháp lý hình sự có thể định nghĩa người bị tố giác là cá nhân, tổ chức bị tố cáo về một hành vi có dấu hiệu tội phạm. Theo đó, tố giác tội phạm hành việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, người bị tố giác là người bị phát hiện có dấu hiệu tội phạm.
2. Người bị tố giác có quyền mời luật sư không?
Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ họ tham gia tố tụng Bộ luật tố tụng hình sự 2015 tại Điều 57 đã quy định về quyền của người bị tố giác như sau:
“ Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:
a) Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;
d) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
đ) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
e) Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
g) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;
h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, người bị tố giác có quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
3. Quyền của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác
Căn cứ Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác như sau:
“1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
2. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là: luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện, trợ giúp viên pháp lý.”
Như vậy, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác có thể là luật sư. Theo đó, Luật sư, người đại diện của người bị tố giác có các quyền sau:
- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Có mặt khi lấy lời khai của người bị tố giác và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác có quyền hỏi người tố giác.
- Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Bên cạnh những quyền nêu trên, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác có nghĩa vụ sau đây:
- Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án;
- Giúp người bị tố giác về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
4. Thủ tục đăng ký Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 9 thông tư 46/2019/TT-BCA quy định thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác.
“1.Khi thực hiện thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác xuất trình các giấy tờ:
a,Luật sư xuất trình thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác.”
Việc quy định quyền của người bị tố giác, đồng thời quy định quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị tố giác là bước tiến quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống oan sai trong tố tụng hình sự. Đồng thời, quy định cũng đảm bảo được tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác khi tham gia giai đoạn tiền tố tụng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất