Cao Thị Hiền

Tố cáo là gì? Người bị tố cáo có quyền và nghĩa vụ gì?

Tố cáo là quyền của công dân được pháp luật ghi nhận, mục đích để đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân, là cơ sở để đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà nước, tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế có một số đối tượng lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo, vu khống sai sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự của tổ chức, cá nhân. Do vậy, pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo để bảo vệ quyền lợi của bản thân khi quyền lợi của mình bị xâm phạm.

1. Khái niệm tố cáo

Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo 2018 quy định tố cáo như sau:

“1. Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

a, Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

b, Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.”

Như vậy, tố cáo là việc cá nhân tuân theo thủ tục quy định của luật tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Người bị tố cáo là ai?

Căn cứ khoản 5 Điều 2 Luật tố cáo 2018 quy định người bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo. Theo đó có thể hiểu, người bị tố cáo là người có hành vi mà người tố cáo cho rằng hành vi đó là hành vi vi phạm pháp luật và làm đơn tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo

Quyền là những điều mà pháp luật công nhận và đảm bảo thực hiện đối với cá nhân, tổ chức để theo đó, cá nhân được hưởng, được làm được đòi hỏi mà không ai được ngăn cản, hạn chế. Theo khoản 1 Điều 10 Luật tố cáo 2018 quy định quyền của người bị tố cáo như sau:

Được thông báo về nội dung tố cáo, việc gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo;

Được giải trình, đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật;

Được nhận kết luận nội dung tố cáo;

Được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo;

Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người giải quyết tố cáo trái pháp luật;

Được phục hồi danh dự, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra theo quy định của pháp luật;

Khiếu nại quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Pháp luật đã có những quy định cụ thể về quyền của người bị tố cáo. Người bị tố cáo được thông báo nội dung tố cáo, được nhận kết luận nội dung tố cáo, được yêu cầu xử lý người tố cáo sai sự thật… Quy định này góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo.

Bên cạnh những quyền cơ bản, người bị tố cáo còn phải hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định pháp luật về tố cáo hiện hành. Nghĩa vụ là việc Nhà nước đòi hỏi công dân phải thực hiện những hành vi cần thiết khi Nhà nước yêu cầu. Khoản 2 Điều 10 Luật tố cáo 2018 quy định người bị tố cáo có các nghĩa vụ sau:

Có mặt để làm việc theo yêu cầu của người giải quyết tố cáo;

Giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;

Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý theo kết luận nội dung tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;

Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.

Theo nguyên tắc giải quyết tố cáo, thì việc tố cáo phải đảm bảo an toàn cho người tố cáo, đặc biệt là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo. Khi một chủ thể bị tố cáo cần nắm rõ quy định của pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.       

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169