Cao Thị Hiền

Đăng tin giả, tin sai sự thật bị xử lý thế nào?

Mạng xã hội là phương tiện giúp mọi người kết nối, chia sẻ thông tin nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để đăng tin giả, đăng tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến sự lành mạnh của không gian mạng. Để bảo vệ không gian mạng, pháp luật hiện hành đã có những quy định xử lý hành vi đăng tin giả, đăng tin sai sự thật như sau:
  • Chế tài hành chính:

Về vi phạm quy định về trang thông tin điện tử: Điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trang thông tin điện tử như sau:“phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;”đồng thời buộc xóa bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật.

Về vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội: Điểm a khoản 3 Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định:“phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;” đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật.

Về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội: Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định:“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;” đồng thời buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng.

Như vậy, tùy thuộc vào hành vi thực hiện trên thực tế mà cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi đăng tin giả, sai sự thật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi nêu trên. Mức phạt nêu trên áp dụng với tổ chức, nếu cá nhân có hành vi vi phạm như tổ chức thì mức phạt bằng ½ mức phạt với tổ chức.

  • Chế tài hình sự:

Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, uy tín của cơ quan tổ chức…thì tùy thuộc vào hành vi khách quan, chủ thể của hành vi, cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau: tội vu khống (Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017), tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017)…

  • Bồi thường dân sự:

Ngoài việc xử lý hành chính và hình sự nếu người đăng tin giả, sai sự thật mà gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh