Ngoại tình có thể là căn cứ để giành quyền nuôi con không?
Mục lục bài viết
1. Căn cứ vào lý do ngoại tình để đòi quyền nuôi con có được không?
Câu hỏi:
Chào luật sư cho tôi hỏi: Chị gái tôi cưới chồng được 10 năm và sinh được 2 con, một cháu gái 9 tuổi và cháu trai 3 tháng tuổi. Tuy nhiên anh rể tôi ngoại tình và thường đánh chị tôi với cháu gái lớn ngay cả khi chị tôi đang mang thai, nuôi con nhỏ. Hiện tại người phụ nữ kia đã có thai.
Tôi muốn hỏi là nếu ly hôn chị tôi có thể có quyền nuôi 2 cháu không? Và chúng tôi nên làm gì? Tôi lo lắng là hiện tại có thể được nuôi 2 cháu, nhưng khi cháu nhỏ đủ 3 tuổi tuổi thì anh rể tôi sẽ kiện đòi quyền nuôi con. Mong được tư vấn và giúp đỡ. Anh rể tôi như vậy có được coi là vi phạm luật hôn nhân 1 vợ 1 chồng (vì có hành vi ngoại tình) và bạo hành gia đình không?
Trả lời: Công ty luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về quyền nuôi con
Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên dành cho con, yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;
Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí, trình độ học vấn… của cha mẹ.
Như vậy, người vợ hoàn toàn có quyền nhận nuôi cả 2 cháu.
Trong trường hợp này, người con thứ 2 tính đến thời điểm xét xử chưa đầy 3 tuổi thì người vợ sẽ được quyền nuôi cháu, về cháu bé đầu tiên được 9 tuổi ngoài những điều kiện về tình hình sức khỏe, điều kiện về chỗ ở, việc làm, thu nhập hàng tháng, điều kiện chăm sóc, giáo dục… Tòa án còn xem xét đến nguyện vọng của cháu. Bên cạnh đó, chị cũng cần chứng minh được rằng người chồng không nuôi dạy con tốt vì không quan tâm, chăm sóc con và có những hành vi bạo lực đối với con…
Thứ hai, về hành vi ngoại tình
Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng, như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Việc “chung sống như vợ chồng” trong quy định trên được chứng minh bằng việc hai người có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung…
Như vậy, hành vi ngoại tình của người chồng trong trường hợp trên chưa thể coi là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Thứ 3, về yêu cầu thay đổi quyền nuôi con
Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi đã thực hiện thủ tục ly hôn như sau:
“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên…”
Do vậy, khi người trực tiếp nuôi con vi phạm các nghĩa vụ về chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng…của người được tòa án trao quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn thì vợ (chồng) có quyền đề nghị Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
2. Giành quyền nuôi con sau ly hôn do một bên ngoại tình thế nào?
Câu hỏi:
Chân thành cảm ơn Luật Minh Gia đã trả lời câu hỏi của tôi ở thư trước. Gửi thư lần này, xin phép cho tôi hỏi về 1 vấn đề khác. Thưa luật sư: Tôi và vợ cũ ly dị được 18 tháng nay.
- Tôi thoả thuận quyền nuôi con cho vợ
- Từ đó đến nay tôi thấy việc nuôi con của vợ tôi không đảm bảo,thể hiện cụ thể ở việc: Vợ cũ tôi đi làm ở sân Gold từ 6h30 đến 17h.Ở nhà có mẹ đẻ cô ấy chăm con.
- Ngoài ra,cô ấy liên tục quan hệ với nhiều người đàn ông,nhiều lần đêm không ngủ ở nhà với con.- Bản thân tôi đi dạy học,bất cứ thời gian rảnh nào tôi đều qua thăm con,đưa con đi chơi và gần gũi,giáo dục con.
- Lương cơ bản trong sao kê ngân hàng của tôi cao hơn vợ cũ.- Tôi trình độ Đại Học,vợ tôi mới học hết THPT- Tôi thấy ở nhà hiện nay vợ cũ tôi không dành thời gian cho con,mẹ đẻ cô ấy cũng không dạy dỗ cháu và thường xuyên bỏ cháu chơi với ipad và xem ti vi,thỉnh thoảng mắng chửi cháu.
- Tôi rất xót- Con gái tôi chuẩn bị 6 tuổi.- Tôi không hề yên tâm về thời gian vợ tôi không có thời gian cho con,không giáo dục con để phát triển nhân cách và học hành.
- Tôi và vợ đều còn đang Ở NHÀ TRỌ
Xin hỏi luật sư: Tôi có lợi thế nào để khởi kiện dành lại quyền nuôi con không ạ? - Tôi lương cao hơn - Trình độ cao hơn nên giáo dục con tốt hơn. - Thời gian chăm con nhiều hơn - Con gái tôi cũng yêu thương,quý tôi hơn mẹ cháu. Mong luật sư trả lời cho tôi để tôi viết đơn khởi kiện,dành lại quyền nuôi con từ vợ cũ để phát triển tốt hơn cho con gái tôi. Cảm ơn luật sư.
Trả lời tư vấn:
Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề anh đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:
Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc nuôi dưỡng và giáo dục con sau khi ly hôn (đã được trích dẫn tại phần trên)
Như vậy, quyền trực tiếp nuôi con:
- Về nguyên tắc, các bên đương sự (vợ, chồng) có thể tự thỏa thuận với nhau về việc người nào sẽ là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và Tòa án sẽ ghi nhận thỏa thuận này trong bản án.
- Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được việc nuôi con thì Tòa án sẽ quyết định giao quyền trực tiếp nuôi con cho một bên vợ hoặc chồng. Khi xem xét ai sẽ là người sẽ trực tiếp nuôi con sau ly hôn, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố với mục đích tìm được người phù hợp để có thể chăm sóc, nuôi dưỡng và đáp ứng một cách tốt nhất cho sự phát triển của đứa trẻ. Trên thực tế, Tòa án sẽ dựa trên 3 yếu tố sau:
+ Điều kiện về vật chất, bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ.
Nhà ở, điều kiện vật chất, thu thập của người vợ hoặc chồng sẽ là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc giành quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn.
+ Điều kiện về tinh thần, bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con; sự yêu thương, tình cảm đối với con từ trước đến nay; điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.
Những “thói hư, tật xấu”, thời gian hạn chế sẽ là một yếu tố gây trở ngại trong việc giành quyền trực tiếp nuôi con.
+ Nguyện vọng của con: Là việc người con mong muốn được sống với ai (trong trường hợp con từ đủ 7 tuổi trở lên).
Như vậy, theo thông anh đưa ra, về điều kiện của người vợ so với anh thì anh có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng bé tốt hơn. Trong quá trình nộp đơn giành quyền nuôi con về phía mình lên Tòa án thì anh liệt kê những điều kiện tốt nhất của mình, đồng thời là những điều kiện vợ anh không có khả năng chăm sóc con. Khi đó Tòa án sẽ xem xét điều kiện của hai bên để quyết định ai là người trực tiếp nuôi nấng bé.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Ngoại tình có thể là căn cứ để giành quyền nuôi con không? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư ly hôn để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất