Luật sư Trần Khánh Thương

Nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ quy định thế nào?

Pháp luật Hôn nhân và gia đình hiện nay có quy định về vấn đề nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của con cái đối với cha mẹ có nội dung như thế nào? Những hành vi không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của con đối với cha, mẹ khi cha, mẹ già yếu thì sẽ bị xử lý như thế nào theo như quy định của pháp luật hiện hành? Luật Minh Gia xin được tư vấn như sau:

Con cái có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật. Theo đó, thì vấn đề chăm sóc cha mẹ ở đây, có thể được hiểu là chăm lo về thể chất, tinh thần của cha mẹ. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay có không ít người con bất hiếu, không chỉ không chăm sóc thậm chí còn ngược đãi, chửi bới, xúc phạm cha mẹ. 

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Chào anh/ chị luật sư. Em xin hỏi anh chị về vấn đề sau mong anh chị hồi đáp. Gia đình nhà bà ngoại em có 6 người con, trong đó có 3 người con gái đầu, 3 người con trai. Hiện tại bà em đã 88 tuổi và đang bị bệnh đang được 3 người con trai chăm sóc theo lịch mỗi người 3 ngày chăm sóc bà em (tới ngày người nào chăm sóc là những người khác mặc kệ), giờ bà em vẫn đang sống tại nhà bà em.

Nhưng hàng ngày vẫn bị các mợ em liên tục chửi bới súc phạm, các bữa ăn không được đảm bảo, theo bà em kể lại thì thường xuyên cho ăn cơm không hoặc trộn nước mắm ăn (thời gian trước do bị chửi mắng quá nhiều từ các con dâu nên em có đón bà sang ở một năm nhưng do hàng xóm dị nghị nên cậu cả em đã sang xin đón bà về nhà bà em).

Hiện tại các dì, gia đình em đang rất bức xúc vì sinh hoạt của bà em, các cậu em không cho mẹ em và các dì chăm nom, khi các dì và mẹ em, các cháu bên ngoại xuống bà chơi liên tục bị chửi bới một cách thậm tệ nên đã xảy ra xung đột nhiều. Vì vậy em muốn hỏi anh chị luật sư về điều khoản để có thể đưa bà em sang nhà em chăm sóc, hiện tại bà em đã yếu và không thể đi lại. Mong anh chị có thể giúp đỡ cho gia đình em!. Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất: Quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của con cái đối với cha, mẹ theo quy định

Quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của con đối với cha, mẹ khi cha, mẹ già yếu được quy định tại khoản 2 điều 70, điều 71 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của con

2. Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 10 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định về người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi như sau:

 Phụng dưỡng người cao tuổi là chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ và các nhu cầu về vui chơi, giải trí, thông tin, giao tiếp, học tập của người cao tuổi

 Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi là con, cháu của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.  

 Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi tùy theo hoàn cảnh cụ thể phải sắp xếp nơi ở phù hợp với điều kiện sức khoẻ, tâm lý của người cao tuổi; chu cấp về kinh tế; thanh toán chi phí điều trị và chăm sóc y tế động viên khi người cao tuổi ốm đau; mai táng khi người cao tuổi chết.

... 

Chiếu theo vào trường hợp gia đình bạn: Trong trường hợp này theo quy định của pháp luật đã phân tích trên, 6 người con đều phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bà ngoại bạn mà không phân biệt là con trai hay con gái, cũng không phụ thuộc vào việc người nào ở cùng với bà ngoại bạn phải có trách nhiệm nuôi dưỡng chăm sóc bà; những người không sống cùng phải hỗ trợ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thứ hai: Chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của con cái đối với cha, mẹ

Theo đó, việc các cậu thường xuyên có những hành vi xúc phạm, chửi bởi, chăm sóc bà không chu đáo... và không cho mẹ và các dì chăm sóc cho bà là trái với quy định pháp luật. Chiếu theo quy định của pháp luật, các hành vi này sẽ bị áp dụng các mức xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 50, khoản 1 điều 51 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP năm 2013 như sau:

Điều 50. Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

...

Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình

1.Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

Như vậy để đảm bảo quyền lợi được chăm sóc, phụng dưỡng bà của mẹ và các dì cũng như để chăm sóc, đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho bà thì gia đình có thể làm đơn trình báo gửi đến Uỷ ban nhân dân xã/ phường/thị trấn nơi bà ngoại bạn đang cư trú để yêu cầu áp dụng xử phạt hành chính theo quy định nêu trên và giải quyết yêu cầu để được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng bà.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo