Nghĩa vụ và căn cứ xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng
Nội dung tư vấn: Kính chào luật sư! Cho tôi hỏi, tôi và chồng tôi kết hôn gần 3 năm, vợ chồng tôi chưa có con, làm dâu được 1 năm do cự cãi với nhà chồng nên 2 vợ chồng cùng về nhà me ruột tôi ở và chúng tôi có 1 chiếc xe tôi mua nhưng để chồng đứng tên, ba mẹ chồng và ba mẹ ruột, có cho vàng và tiền cho 2 vợ chồng. Nhưng trong thời gian từ khi cưới tới giờ đã sử dụng hết tất cả vì chi tiêu cho cả hai, chồng tôi cũng biết, nhưng bây giờ chồng tôi thay đổi, không còn muốn sống chung với tôi và tự nói lên cho mọi người biết là vì tôi thay lòng nên muốn ly hôn và tự động dọn quần áo của anh ta đi về bên mẹ ruột anh ta, đơn phương ra đi trong khi tôi không có hành vi xua đuổi hay xúc phạm gì cả. Và kêu ba mẹ chồng tôi qua nhà tôi để đòi lại số tiền và vàng đã cho, phủ nhận việc anh ta sài số tiền và vàng đó, và vợ chồng cùng thoả thuận mượn nợ, anh ta kêu tôi đi mượn nợ, nhưng chủ nợ và tôi giao dịch không có giấy tờ, bây giờ anh ta muốn ly hôn bắt tôi trả số tiền vàng và tự trả nợ, anh ta bảo không biết gì hết, toàn nói trên lời nói của anh ta, đổi trắng thay đen phủ nhận tất cả đổ hết tất cả trách nhiệm cho tôi. Xin hỏi tôi có trả lại tiền vàng đó không và khoảng nợ trên anh ta có trả cùng tôi không và chiếc xe đó những tài sản lúc mua khi 2 vợ chồng còn ở thì có được chia hay bán ra hết trả nợ không. Chân thành cảm ơn mong luật sư tư vấn cho tôi tỏ tường biết ạ!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Đầu tiên, về khoản vay vì đây là khoản vay được thực hiện trong thời kỳ hôn nhân cho nên nếu anh chồng muốn sau khi ly hôn chị phải là người trả hết số nợ thì anh chồng phải chứng minh được rằng đây là khoản vay mà chị tự ý vay và không nhằm phục vụ cho cuộc sống nhu cầu thiết yếu chung của gia đình. Bởi theo quy định của Khoản 2, Điều 37 Luật HN&GĐ 2014 thì:
“Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
…
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
…”
Tức là những khoản vay phát sinh nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì dù khoản vay chỉ đứng tên một mình chị thì chồng chị vẫn phải có trách nhiệm đối với khoản vay này vì đây là nghĩa vụ được xác định là nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Thứ hai, về chiếc xe ô tô, căn cứ vào quy định của Khoản 2 Điều 34 và Khoản 3 Điều 33 Luật HN&GĐ 2014 cụ thể như sau:
“Điều 34. Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung
...
2. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này.
…”
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
…
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
Như vậy theo quy định trên có thể thấy rằng, mặc dù chiếc xe này chỉ đứng tên một mình chồng chị nhưng do đây là tài sản hai vợ chồng mua trong thời kỳ hôn nhân nên sẽ vẫn được coi là tài sản chung của vợ chồng, việc chồng chị đứng tên chỉ được coi là trường hợp đại diện đứng tên của vợ chồng trên giấy tờ chứng minh quyền sở hữu chiếc xe. Vì thế, khi ly hôn chiếc xe này vẫn sẽ được chia cho cả hai vợ chồng, còn việc chiếc xe này có bị bán để trả nợ hay không thì phụ thuộc vào khả năng thực hiện nghĩa vụ đối với khoản vay của hai vợ chồng nếu như sau khi sử dụng hết tài sản chung khác mà vẫn không đủ để trả nợ thì có thể sẽ phải bán chiếc xe này để hoàn thành nghĩa vụ đối với người cho vay.
Thứ ba, về số vàng hai gia đình cho vợ chồng chị, vì những thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ rõ ràng nên có thể xảy ra hai trường hợp sau.
Trường hợp 1, số vàng là tài sản bố mẹ tặng cho chung cả hai vợ chồng vào ngày cưới hoặc tặng cho chung hai vợ chồng trong quá trình hôn nhân. Trong trường hợp này vì là tài sản tặng cho chung cả hai vợ chồng nên về nguyên tắc cả hai vợ chồng chị sẽ là đồng chủ sở hữu đối với số vàng này. Chính vì thế, khi hai vợ chồng ly hôn thì người chồng hoàn toàn có đầy đủ căn cứ để đòi lại một phần số vàng thuộc quyền sở hữu của người chồng. Nếu như không có căn cứ chứng minh được bố mẹ cho nhiều hơn thì người chồng sẽ có thể đòi lại một nửa số vàng mà mình có quyền sở hữu.
Trường hợp 2, số vàng là tài sản bố mẹ tặng cho riêng chị vào ngày cưới hoặc tặng cho riêng chị trong quá trình hôn nhân. Vì đây là tài sản chị được tặng cho riêng nên, căn cứ vào Khoản 1, Điều 43 Luật HN và GĐ 2014 quy định cụ thể như sau:
Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng”.
Đồng thời Điều 458 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng tặng cho động sản như sau:
Điều 458. Tặng cho động sản
1. Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký”.
Từ những quy định trên có thể thấy thời điểm hợp đồng tặng cho của bố mẹ với chị sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm chị nhận được vàng. Và vì tài sản được bố mẹ tặng cho riêng chị cho nên đây sẽ được xác định là tài sản riêng của chị. Chính vì vậy, nếu trong trường hợp chị làm đơn ly hôn ra tòa thì số vàng này sẽ được xác định là tài sản riêng và chị không có nghĩa vụ trả lại số vàng này cho nhà chồng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất