Cà Thị Phương

Nghĩa vụ trả nợ ngân hàng khi người vay vốn mất

Quan hệ vay tài sản là một trong những quan hệ dân sự phổ biến trên thực tế, quan hệ vay tài sản này có thể giữa các cá nhân với nhau hoặc giữa cá nhân với các tổ chức tín dụng mà tiêu biểu là ngân hàng. Trong quan hệ vay tài sản các bên có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng đặc biệt là nghĩa vụ thanh toán.

1. Luật sư tư vấn hợp đồng tín dụng

Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng có rất nhiều trường hợp ngân hàng được quyền thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi khoản nợ đã cho vay. Bên cạnh trường hợp người vay có các hành vi vi phạm nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng thì trường hợp người vay tài sản chết cũng là một căn cứ để ngân hàng thu hồi được số tài sản đã cho vay. Khi đó, ngân hàng có quyền yêu cầu những người thừa kế của người chết thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi tài sản của người chết để lại.

Tuy nhiên, trên thực tế việc xử lý đối với trường hợp bên vay chết gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nếu bạn đang có thắc mắc về vấn để trách nhiệm trả nợ khi bên vay trong hợp đồng đã chết thì hãy liên hệ với công ty Luật Minh Gia thông qua các hình thức như gửi Email tư vấn hoặc gọi tới số 1900.6169 để được bộ phận tư vấn pháp luật dân sự của chúng tôi tư vấn cụ thể về các vấn đề này theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Nghĩa vụ trả nợ ngân hàng khi người vay vốn mất

Nội dung yêu cầu tư vấn: Xin chào luật Minh Gia. Hiện tại gia đình chú tôi gặp một vấn đề mong đuợc luât minh gia tư vấn. Vấn đề của gia đình chú tôi gặp phải như sau: 

Chú tôi có hai vợ người vợ đầu đã có hai người con và nguời vợ thứ hai chưa có với nhau người con nào. Chú tôi nhận nuôi người con trai thứ hai năm nay đang học lớp 12.Chú tôi có vay vốn chương chình nước sạch nông thôn là 12tr, thời điểm vay là khi ở cùng nguời vợ thứ hai. Người ký cùng chú tôi trong sổ vay vốn là nguời vợ thứ hai. Nhưng chú tôi không may đột ngột qua đời không để lại giấy tờ gì. Và thời điểm trước khi chú tôi qua đời lại đã ly hôn với người vợ thứ hai. Và em tôi con của chú mới đang học lớp 12.

Truớc khi qua đời hộ khẩu gia đình chú tôi chỉ còn chú tôi và nguời con trai đang học lớp 12 không còn hộ khẩu của ngừoi vợ thứ hai nữa. Vì sau khi li hôn nguời vợ thứ hai đã đi lấy chồng mới. Gia đình chú tôi thuộc dạng hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Không có tài sản gì quý giá ngoài đất do ông bà cho để ở.

Vậy tôi muốn hỏi khoản nợ của chú tôi sẽ đuợc giải quyết như thế nào ạ? Ngân hàng có xuống siết nợ bằng hình thức thu hồi đất của gia đình chú tôi không ạ? Rất mong đuợc sự tư vấn sớm nhất từ quý công ty ạ. 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng thì:

“Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này”.

Đối chiếu với quy định tại Điều 30 và Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:
 
"Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
 
1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

 
2. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên".

“Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan”.

Trong trường hợp trên, khoản vay từ ngân hàng được xác định là khoản nợ chung của chú bạn và người vợ thứ hai. Vì trong thực tế, giao dịch vay ngân hàng này do hai người cùng thực hiện nên khi Ngân hàng tiến hành thu hồi nợ thì phía người vợ thứ hai vẫn phải chịu nghĩa vụ trả nợ chung, trừ trường hợp tại thời điểm ly hôn họ có thỏa thuận về nghĩa vụ trả nợ. Theo đó, nghĩa vụ trả nợ được giải quyết như sau:

Trường hợp thứ nhất: Khi ly hôn chú bạn và người vợ thứ hai đã có thỏa thuận về nghĩa vụ trả nợ và được phía Ngân hàng đồng ý thì trường hợp này nghĩa vụ trả nợ sẽ được thực hiện theo thỏa thuận trước đó. Cụ thể:

Nếu khi ly hôn cả hay thỏa thuận để người vợ thứ hai thực hiện nghĩa vụ trả nợ với toàn bộ số nợ trên và được Ngân hàng đồng ý thì trách nhiệm trả nợ sẽ do người vợ thứ hai thực hiện, chú bạn sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Ngược lại, nếu chú bạn và người vợ thứ hai thỏa thuận người chịu trách nhiệm với toàn bộ khoản nợ là chú bạn và  thỏa thuận này được Ngân hàng đồng ý thì khi chú bạn mất nghĩa vụ trả nợ sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 615 Bộ Luật Dân sự năm 2015  :

“Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.

Trong trường hợp chú bạn mất, mảnh đất để lại do được ông bà tặng cho đó được xác định là di sản thừa kế. Đồng thời, khi chú mất không để lại di chúc nên phần tài sản này sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất  theo quy định tại Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015, cụ thể:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.

Theo quy định này, mảnh đất của chú bạn sẽ được chia đều cho cha mẹ của chú bạn, hai người con trai của người vợ thứ nhất và người con trai nuôi đang học lớp 12. Theo đó, những người được thừa kế này phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản do người chết để lại. Về thứ tự ưu tiên thanh toán được giải quyết như sau: 

“Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.

3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.

4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.

5. Tiền công lao động.

6. Tiền bồi thường thiệt hại.

7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.

9. Tiền phạt.

10. Các chi phí khác”.

Do đó, số tiền mà chú bạn vay ngân hàng sẽ được thanh toán bằng di sản mà chú bạn để lại. Sau khi thanh toán những khoản nợ trên thì những người theo hàng thứ kế thứ nhất sẽ được thừa hưởng phần di sản còn lại. Vì vậy, nếu những người thừa kế không có thỏa thuận trả nợ trước để giữ lại mảnh đất thì phần đất này sẽ bị ngân hàng tiến hành kê biên và thanh toán với phần nợ tương ứng, phần giá trị còn lại sau khi thanh toán khoản nợ trên sẽ được chia cho bố mẹ và các con của chú.

Trường hợp thứ hai: Khi ly hôn chú bạn và người vợ thứ hai không có thỏa thuận về nghĩa vụ trả nợ đối với khoản vây vốn Ngân hàng.

Trong trường hợp này, khoản nợ trên vẫn được xác định là khoản nợ chung do hai người cùng thực hiện giao dịch trên nên chú bạn và người vợ thứ hai có trách nhiệm liên đới trong quá trình trả nợ. Do đó, khi khoản vay đến hạn phải trả mà chú bạn mất thì phía Ngân hàng sẽ yêu cầu người vợ thứ hai phải có trách nhiệm trả nợ với số nợ trên. Sau đó, người vợ này có thể yêu cầu những người hưởng di sản của chú bạn thanh toán cho họ phần giá trị tương ứng với phần nợ mà chú bạn phải có trách nhiệm trả Ngân hàng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo