Nguyễn Thị Lan Anh

Nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con ngoài giá thú.

Em muốn hỏi về trường hợp hiến tinh trùng nhân đạo và nghĩa vụ của người cha đối với con ngoài giá thú. Cụ thể như sau: Em và bạn trai đang tính đến chuyện đám cưới thì em hay được tin bạn gái cũ của anh ấy đang mang thai đứa con của anh ấy. Anh ấy nói với em, đứa con đó là do người bạn gái cũ năn nỉ anh ấy cho mượn tinh trùng để có một đứa con.

Vì chị ấy muốn có con nhưng không muốn nhờ đến bác sĩ tại sợ tốn kém, muốn để dành tiền đó sau này nuôi con.Nhưng bản thân em thì em lại nghĩ khác, biết đâu bây giờ thì chị ấy nói cho qua loa vậy nhưng sau này khi sinh đứa bé ra chị ấy mang con đến rồi bắt bạn trai em chịu trách nhiệm là nuôi đưỡng và lo lắng cho mẹ con chị ấy thì em biết tính sao. Trường hợp này, bạn trai em phải chịu những trách nhiệm gì với đứa bé đó.

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Trường hợp cho tinh trùng được pháp luật quy định rất cụ thể tại Điều 4 Nghị định 10/2015/NĐ-CP:

"1. Người cho tinh trùng, cho noãn được khám và làm các xét nghiệm để xác định: Không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; không bị nhiễm HIV.

2. Tự nguyện cho tinh trùng, cho noãn và chỉ cho tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng.

4. Tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học."

Theo quy định trên, pháp luật chỉ cho phép việc cho tinh trùng tự nguyện, tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Do đó, trường hợp trên, bạn trai bạn không thuộc trường hợp cho tinh trùng vì mục đích nhân đạo.

Theo như thông tin bạn cung cấp: Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, nếu không đăng ký kết hôn mà có con thì con của bạn gái cũ với bạn trai bạn được coi là con ngoài giá thú.

Luật Hôn nhân và gia đình đưa ra khái niệm về cấp dưỡng tại Khoản 24 Điều 3, cụ thể:

“...

24. Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

...”

Tại Điều 107 Luật này quy định về Nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

“1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.”

Như vậy, theo quy định trên bạn trai bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của bạn gái cũ.

Về mức cấp dưỡng, Điều 116 Luật này quy định như sau:

“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Theo Điều 117 quy định Phương thức cấp dưỡng, cụ thể như sau:

“Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con ngoài giá thú. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân gia đình để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169