Đinh Thị Minh Nguyệt

Ngân sách nhà nước là gì theo quy định?

Ngân sách nhà nước là một phạm trù quan trọng và đặc biệt, vì vậy cần có sự điều chỉnh hợp lý để đảm bảo cho việc sử dụng diễn ra đúng quy định, có lợi cho sự phát triển của đất nước. Theo đó, vấn đề này đã được pháp luật cụ thể hóa thông qua Luật ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Để có thể nắm bắt rõ hơn, bạn đọc có thể theo dõi bài viết sau đây của công ty Luật Minh Gia.

1. Ngân sách nhà nước là gì? 

Theo quy định tại khoản 14 điều 4 Luật ngân sách nhà nước 2015: “Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.”

Ngay từ khái niệm đã cho thấy mục đích của ngân sách nhà nước là bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ, chức năng của Nhà nước theo quy định pháp luật. Điều này khiến cho ngân sách không chỉ là một nguồn tài sản để chi tiêu mà còn là một lĩnh vực cụ thể, trong đó cần có sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo cho việc thiết lập, thi hành và kiểm soát quá trình thực hiện ngân sách nhà nước. 

Ngoài ra, các khoản thu, chi của ngân sách nhà nước chỉ được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định và sẽ được quyết toán khi hết thời hạn đó. Theo quy định, năm ngân sách bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm dương lịch. 

2. Đặc điểm của ngân sách nhà nước 

Để làm rõ các quy định liên quan đến ngân sách nhà nước, chúng ta có thể xem xét các đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, ngân sách nhà nước là kế hoạch tài chính phải được Quốc hội biểu quyết và thông qua.

Theo đó, việc thiết lập ngân sách nhà nước không chỉ dựa trên góc độ kinh tế thông qua việc dự toán các khoản thu và chi được thực hiện mà còn là vấn đề mang tính pháp lý, trong đó ngân sách nhà nước phải trải qua việc xem xét, biểu quyết thông qua tại Quốc hội như việc ban hành một đạo luật để làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho các chủ thể tham gia vào hoạt động ngân sách. 

Thứ hai, ngân sách nhà nước có thể được coi là một đạo luật. 

Dự toán ngân sách nhà nước trước khi trình lên Quốc hội được soạn thảo bởi Chính phủ, do đó quy trình này phải có sự tham gia của cả cơ quan hành pháp và lập pháp. 

Đặc điểm này tạo ra sự khác biệt của ngân sách nhà nước so với các loại ngân sách khác. Bản dự toán ngân sách nhà nước tại cơ quan lập pháp thể hiện sự khác biệt về phương diện pháp lý, bởi vì chỉ có ngân sách nhà nước mới trải qua quá trình Luật hoá này.  

Thứ ba, ngân sách nhà nước là kế hoạch tài chính của toàn thể quốc gia, được trao cho Chính phủ tổ chức thực hiện đặt dưới sự giám sát của Quốc hội. 

Quyền giám sát của Quốc hội đối với hoạt động thi hành ngân sách nhà nước là một nguyên tắc hiến định, trong đó thể hiện sự tham gia quản lý của các cơ quan khác nhau nhằm kiểm soát nguy cơ lạm quyền của cơ quan thi hành ngân sách nhà nước. Nói cách khác, quy định này một mặt củng cố, đề cao quyền lực của Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Việt Nam - đối với vấn đề quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống chính trị - xã hội của nhân dân, mặt khác cũng cho thấy tính dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính của nhà nước. 

Thứ tư, ngân sách nhà nước được thiết lập và thực thi hoàn toàn vì mục đích chung của toàn thể quốc gia.

Đặc điểm này có thể coi là yếu tố quyết định phân biệt ngân sách nhà nước với các nguồn ngân sách khác của các tổ chức, cá nhân khác, bởi lẽ ngân sách của các chủ thể này thường chỉ trong phạm vi nhất định và liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của các chủ thể đó. 

3. Các khoản thu ngân sách nhà nước

Hiện nay, các khoản thu của ngân sách nhà nước được quy định cụ thể tại điều 2 Nghị định 163/2016/NĐ-CP bao gồm: 

  • Các khoản thu từ thuế, lệ phí do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định.
  • Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện; trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ. 
  • Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện, sau khi trừ phân được trích lại để bù đắp chi phí theo quy định của pháp luật.
  • Các khoản nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động kinh tế của Nhà nước, gồm: Lãi được chia cho nước chủ nhà và các khoản thu khác từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí; các khoản thu hồi vốn của Nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế; thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước; thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước; chênh lệch thu lớn hơn chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; thu hồi tiền cho vay của Nhà nước (bao gồm cả gốc và lãi), trừ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
  • Huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. 
  • Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất do các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước quản lý. 
  • Tiền sử dụng đất; tiền cho thuê đất, thuê mặt nước; tiền sử dụng khu vực biển; tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. 
  • Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước. 
  • Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật. 
  • Các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. 
  • Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, cho cơ quan nhà nước ở địa phương. 
  • Thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định tại Điều 11 Luật ngân sách nhà nước 2015. 
  • Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

4. Các khoản chi ngân sách nhà nước

Điều 3 Nghị định 163/2016/NĐ-CP quy định về các khoản chi ngân sách nhà nước bao gồm:

  • Chi đầu tư phát triển: Chi đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án theo các lĩnh vực được quy định tại khoản 3 Điều này; đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng; các tổ chức kinh tế; các tổ chức tài chính của trung ương và địa phương; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.
  • Chi dự trữ quốc gia.
  • Chi thường xuyên cho các lĩnh vực: Quốc phòng; An ninh và trật tự, an toàn xã hội; Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề; Sự nghiệp khoa học và công nghệ; Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình; Sự nghiệp văn hóa thông tin; Sự nghiệp phát thanh, truyền hình, thông tấn; Sự nghiệp thể dục thể thao; Sự nghiệp bảo vệ môi trường; Các hoạt động kinh tế; Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi hỗ trợ thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật; Các khoản chi thường xuyên khác theo quy định của pháp luật.
  • Chi trả lãi, phí và chi phí phát sinh khác từ các khoản tiền do Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh vay. 
  • Chi viện trợ của ngân sách trung ương cho các Chính phủ, tổ chức ngoài nước. 
  • Chi cho vay theo quy định của pháp luật. 
  • Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính. 
  • Chi chuyển nguồn từ ngân sách năm trước sang ngân sách năm sau.
  • Chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo