Cao Thị Hiền

Ngăn cản thi hành án bị xử lý thế nào?

Thi hành án là hoạt động quan trọng của cơ quan thi hành án giúp cho bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên hiện nay tình trạng ngăn cản thi hành án vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan thi hành án. Vậy hành vi ngăn cản thi hành án sẽ bị xử lý thế nào, bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ thông tin rõ tới bạn đọc.

Khái niệm thi hành án, ngăn cản thi hành án

Thi hành án có thể được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành đưa các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án ra thi hành.

Ngăn cản thi hành án có thể được hiểu là hành vi trái pháp luật, tác động đến quá trình thi hành án, không thi hành, thi hành không đầy đủ, không đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án.

Hành vi ngăn cản thi hành án bị xử lý thế nào?

Đối với thi hành án dân sự: người thực hiện hành vi ngăn cản thi hành án dân sự chủ yếu là các cá nhân. Theo điểm đ khoản 1 Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi chống đối, cản trở hoặc xúi giục người khác chống đối, cản trở hoạt động thi hành án dân sự có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Người thực hiện hành vi ngăn cản thi hành án hành chính, hình sự chủ yếu là người có chức vụ, quyền hạn, họ có thể tác động đến người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án, người có thẩm quyền thi hành quyết định thi hành án hoặc tác động đến người phải thi hành án để việc thi hành án không thể diễn ra. Người thực hiện hành vi ngăn cản có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy vào mức độ vi phạm của hành vi.

Đối với thi hành án hành chính: Công chức, viên chức có hành vi cản trở việc thi hành án hành chính có thể bị xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, buộc thôi việc tùy thuộc vào múc độ vi phạm  hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính theo Chương III Nghị định 71/2016/NĐ-CP.

Nếu người cản trở việc thi hành án nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 381 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội cản trở việc thi hành án như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn;

b) Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án;

c) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm;

c) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 200.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Người thực hiện hành vi cản trở thi hành án dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn; dẫn đến hết thời hiệu thi hành án, gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng trở lên...thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở việc thi hành án với mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù. Ngoài ra còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169