Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Nam nữ chung sống khi chưa kết hôn có bị cấm không?

Chào luật sư, cho cháu hỏi trường hợp cháu và người yêu chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa có đăng ký kết hôn ah, cụ thể: Chúng cháu là sinh viên cùng trường đại học, do có tình cảm và yêu nhau từ năm thứ nhất (nay chúng cháu năm 3), hai gia đình cũng đã đồng ý cho chúng cháu và dự định sau khi ra trường sẽ làm đám cưới nên chúng cháu đã thống nhất về ở chung một phòng cho tiết kiệm

Cháu muốn hỏi là trường hợp chúng cháu chung sống như vậy có vi phạm không pháp luật không? và vấn đề cư trú, tạm trú quy định thế nào? mong cô chú luật sư tư vấn giúp. Chúng cháu xin cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp trên chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Luật Cư trú về quyền tự do cư trú của công dân thì “Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”.

Quyền tự do cư trú của công dân được pháp luật bảo vệ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân sẽ bị xử lý nghiêm minh. 

Để bảo đảm quyền cư trú của công dân được pháp luật bảo vệ cũng như ngăn ngừa các hành vi vi phạm liên quan đến cư trú, tại Điều 8 Luật Cư trú quy định các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

"1. Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.

2. Lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

3. Nhận hối lộ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà trong việc đăng ký, quản lý cư trú.

4. Thu, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật.

5. Tự đặt ra thời gian, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về cư trú.

6. Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ về cư trú trái với quy định của pháp luật.

7. Lợi dụng quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

8. Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú; sử dụng giấy tờ giả về cư trú; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú.

9. Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú."

Người nào có một trong các hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài các hành vi bị cấm nêu trên, pháp luật còn có một số quy định khác cũng liên quan đến việc cư trú nhưng thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình là cấm người đang có vợ, có chồng mà chung sống với người khác như vợ chồng hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ, có chồng. Hành vi này tùy theo tính chất, hậu quả gây ra mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, nếu hai bạn chưa đăng ký kết hôn mà chung sống cùng phòng, cùng nhà với nhau mà không vi phạm một trong các quy định nêu và chấp hành đầy đủ các quy định về cư trú thì không bị coi là vi phạm pháp luật. Việc chung sống này mặc dù không được khuyến khích nhưng cũng không có quy định nào hạn chế.

Theo quy định tại Điều 11 Luật Cư trú thì công dân có trách nhiệm và nghĩa vụ về cư trú như sau:

"1. Chấp hành các quy định của pháp luật về cư trú.

2. Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cung cấp.

3. Nộp lệ phí đăng ký cư trú.

4. Xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu.

5. Báo ngay với cơ quan đã đăng ký cư trú khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú bị mất hoặc bị hư hỏng."

- Chung sống với người chưa có vợ, có vi phạm luật hôn nhân không?

Câu hỏi: Kính gửi luật gia, Xin giải đáp cho tôi một số câu hỏi sau: 1. Tôi và chồng tôi không có kết hôn nhưng sống chung vào năm 2003 nhưng cuối năm 2003 anh kết hôn với 1 người phụ nữ khác. Tháng 7/2004, tôi có sinh 1 bé trai và vì nhiều lí do tế nhị khác nên tôi không thể chia tay anh cho đến khi tôi tiếp tục có bé thứ 2 vào năm 2006. Nay tôi muốn hỏi luật gia rằng:

- Chồng tôi có thể làm di chúc toàn bộ tài sản của anh cho 4 con đều nhau hay không? (trong trường hợp đã lập di chúc trước thì người vợ hợp pháp kia có được thừa hưởng tài sản chung trong thời gian chung sống với anh hay không?)

- Tôi có thể lập di chúc của mình cho các con tôi và anh sẽ là người giám hộ đến khi các cháu đủ 18 tuổi hay không?

- Người vợ hợp pháp của chồng tôi có con sau tôi thì tôi có bị cho là đang vi phạm chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng hay không? (Tôi không phải là người đến sau mà chỉ là người chồng tôi không chọn để đứng tên trong tờ giấy đăng kí kết hôn)

- Tài sản của tôi và anh tạo dựng được có phải chia cho người vợ hợp pháp kia không? ( sau khi chồng tôi đã lập di chúc chia đều cho các con)

- Dù tôi không có đăng kí kết hôn nhưng xét về thời gian thì tôi có con trước thời điểm anh kết hôn. Vậy người vợ kia có quyền xúc phạm, lăng nhục tôi hay không (nhắn tin lăng mạ, gọi điện quấy rối...)? Nếu vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?

- Trường hợp anh lập di chúc, trong phần thừa kế có tên tôi thì tôi có được thu hưởng hay không? Tương tự như vậy, nếu tôi lập di chúc để lại toàn bộ tài sản của tôi cho các con thì cha mẹ tôi có được thừa kế theo luật hay không?

- Nếu anh và người vợ kia li dị thì phần tài sản của anh (công ty, nhà cửa, xe...cái này là do tôi góp phần cùng tạo lập công ty, còn người kia chỉ ở nhà nội trợ) thì sẽ phải chia cho cô ấy bao nhiêu % trên tổng số tài sản hiện tại?

* Cuối cùng, thủ tục để chúng tôi thực hiện lập di chúc cần những gì? Di chúc chúng tôi lập sẽ có giá trị trong bao lâu? Phí lập di chúc là bao nhiêu? Kính mong luật gia giúp đỡ, gỡ rối giúp tôi.

Trả lời:Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị, chúng tôi trả lời tư vấn theo trình tự câu hỏi của chị đưa ra như sau:

Thứ nhất, ĐIều 625 và Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người lập di chúc và quyền của người lập di chúc như sau:

“Điều 625. Người lập di chúc

1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Điều 626. Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

Do đó, đối với người lập di chúc, đáp ứng đủ các điều kiện trên sẽ có quyền lập di chúc đối với phần tài sản thuộc quyền sở hữu của người đó.

Với phần tài sản thuộc sở hữu của A thì anh ấy có quyền lập di chúc trên phần tài sản đó, định đoạt quyền hưởng di chúc theo ý chí của anh mình. Nếu A cho 4 con được quyền hưởng di sản thì 4 đứa con sẽ được hưởng di sản theo di chúc mà A đã lập.

Quyền hưởng di sản và phân chia di sản chỉ được thực hiện sau khi người để lại di chúc chết.

Tuy nhiên, đối với người vợ, giữa 2 người này là quan hệ hôn nhân hợp pháp, nên người vợ đó vẫn có quyền hưởng di sản mà không phụ thuộc vào di chúc, cho dù trong di chúc A không cho vợ quyền hưởng di sản:

Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”

* Lưu ý: Achỉ được định đoạt phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.

Thứ hai, chị cũng có quyền được định đoạt phần tài sản thuộc quyền sở hữu của chị, lập di chúc cho các con hưởng phần di sản đó.

Về việc giám hộ cho các con của chị:

Điều 47 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người được giám hộ như sau:

“1. Người được giám hộ bao gồm:

a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

c) Người mất năng lực hành vi dân sự;

d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

2. Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.”

Theo đó, việc giám hộ chỉ đặt ra khi các con chị chưa thành niên mà cả cha và mẹ đều mất, hoặc cha mẹ không đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục con, hoặc cha mẹ bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, nếu chị và bố của các con chị vẫn đủ điều kiện nuôi nấng, chăm sóc các con chị khi chúng chưa thành niên thì việc giám hộ không được đặt ra. Trong trường hợp này, chị và A sẽ là người đại diện theo pháp luật của các con.

Thứ ba, về việc vi phạm chế độ một vợ một chồng

Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định tại Điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015(được sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:

“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm…”

Theo đó, nếu chị và anh bạn chị có quan hệ như vợ chồng với nhau trước hôn nhân của anh ta thì chị không bị coi là vi phạm chế độ một vợ một chồng.

Thứ tư, đối với phần tài sản mà chị và anh A đã tạo dựng chung khi chung sống với nhau, do không được xác lập trên cơ sở quan hệ hôn nhân, nên phần tài sản đó sẽ được coi là tài sản chung theo phần của mỗi người. Mỗi người có quyền định đoạt trên phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Do đó, đối với phần tài sản thuộc quyền sở hữu của chị thì không phải chia cho người vợ của anh ta, mà người vợ đó chỉ được hưởng thừa kế phần tài sản thuộc quyền sở hữu của anh ta trong khối tài sản chung với chị thôi.

Thứ năm, danh dự, nhân phẩm của một người được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền tự ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác do đó, nếu người vợ đó có hành vi lăng mạ, làm nhục, bôi nhọ danh dự của chị, thì người có đã vi phạm pháp luật.

Tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đối 2017) có quy định về tội làm nhục người khác như sau:

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

Nếu chị bị người vợ đó có hành vi lăng mạ, làm nhục, chị có thể tố cáo chị ta về tội làm nhục người khác theo căn cứ trên.

Ngoài ra, người đó còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho chị về hành vi vi phạm này theo Bộ Luật Dân sự:

Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau:

“2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Thứ sáu, cũng như phần thứ nhất chúng tôi đã lập luận, việc định đoạt tài sản trong di chúc là quyền của người sở hữu tài sản, nếu trong di chúc, anh A cho chị hưởng di sản thì chị có quyền được hưởng di sản. Và chị có thể làm di chúc để cho bất cứ ai quyền hưởng di sản.

Đối với cha mẹ chị, là người được quyền hưởng di sản không phụ thuộc vào di chúc theo căn cứ ở phần thứ nhất chúng tôi đã phân tích.

Thứ bảy, khi anh A ly hôn với vợ, thì phần tài sản được xác định là tài sản chung của 2 vợ chồng họ sẽ được phân chia theo nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn (Điều 59 Luật hôn nhân gia đình 2014): Tài sản được xác lập trong thời kỳ hôn nhân của họ, tài sản riêng của vợ, chồng mà thỏa thuận xác lập vào tài sản chung. Giả sử, trong khối tài sản chung của chị và anh ta, anh ta có 50% quyền sở hữu do đóng góp, tạo lập với chị, và anh ta đã xác lập phần tài sản này vào khối tài sản chung của vợ chồng, thì người vợ sẽ được hưởng 1 nửa số tài sản anh ta có quyền sở hữu trong khối tài sản chung với chị đó, các khoản lợi nhuận thu được từ phần tài sản chung với chị, anh ta được hưởng 50%, thì cũng được chia đều cho 2 vợ chồng anh ta.

Tóm lại là vợ anh ta sẽ được hưởng phần tài sản là 50% lợi tức phát sinh từ phần tài sản thuộc quyền sở hữu của anh ta từ khối tài sản chung với chị, nếu nó phát sinh trong quá trình hôn nhân của họ.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Nam nữ chung sống khi chưa kết hôn có bị cấm không? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo