Luật sư Phùng Gái

Muốn kéo dài thời gian ly hôn đến khi con đủ 3 tuổi được không?

Câu hỏi tư vấn: Tôi và vợ kết hôn được gần 3 năm. Có con chung 2 tuổi. Gia đình hay xảy ra mâu thuẫn và mỗi khi đó vợ thường mang con bỏ về ngoại nói ly hôn. Mỗi lần như vậy dù đúng hay sai tôi đều sang bên đó hoà giải để đón cả 2 về, lần này là lần thứ 4. Vợ tôi có nói với mẹ chồng rằng không sống được với tôi và xin phép về bên kia sống, mẹ tôi không đồng ý cho con dâu mang cháu đi nên vợ tôi lấy đồ đạc dọn về bên kia sống.

Lần trước đó, cô ấy có sống ở bên ngoài hơn 4 tháng. Gia đình tôi qua hoà giải thì bên đó nói nặng lời, sỉ nhục gia đình tôi. Nhưng tôi vẫn cố qua lại để làm lành. Tới lần này thì tôi không chịu nổi nữa rồi. Vì vợ sống quá vô tâm và hỗn láo với mọi người trong gia đình tôi, cũng không quan tâm tới con cái, chỉ lo ăn diện, phấn son.... Giấy tờ bây giờ tôi cầm hết (hộ khẩu, đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, chứng minh thư của tôi, chứng minh thư của vợ thì đã mất. Tôi muốn hỏi luật sư rằng liệu vợ tôi có thể làm thủ tục để ly hôn được khi không có giấy tờ này? Vợ tôi có thể làm chứng minh thư mới theo hộ khẩu cũ (hộ khẩu của nhà bố đẻ, trước khi chuyển khẩu sang với tôi)? Có cách nào để tôi có quyền nuôi con nếu ra toà? Hay kéo dài thời gian tới khi con tôi 3 tuổi để tôi giành quyền nuôi con? Vì tôi không muốn con gái mình sống với người mẹ vô tâm và bạc bẽo như vậy. Mong sớm nhận được hồi âm của luật sư. Nếu có cách để có được quyền nuôi con, tôi xin cảm ơn luật sư. Thân!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, cần xác định vợ bạn có quyền đơn phương ly hôn khi có căn cứ cho rằng cuộc sống hôn nhân không thể kéo dài, lâm vào tính trạng trầm trọng do hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng. Theo đó thủ tục đơn phương ly hôn gồm:

+ Đơn đơn phương ly hôn (theo mẫu);

+ Giấy đăng ký kết hôn (bản chính);

+ Sổ hộ khẩu, chứng minh thư của hai vợ chồng  photo có chứng thực;

+ Giấy khai sinh của con.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì khi ly hôn bắt buộc hồ sơ phải bao gồm đầy đủ các giấy tờ trên mới được coi là hợp lệ. Theo đó, trong trường hợp toàn bộ giấy tờ trên đều do bạn giữ không cung cấp nên về nguyên tắc vợ bạn không thể làm hồ sơ, thủ tục giải quyết ly hôn được. Tuy nhiên, vợ bạn vẫn có thể làm thủ tục ly hôn nếu xin cấp lại được các giấy tờ trên thông qua liên hệ Uỷ ban xã cấp lại giấy đăng ký kết hôn, cấp bản sao giấy khai sinh của con; giấy tờ xác nhận của bên cơ quan công an về việc thường trú tại địa phương; đối với chứng minh thư của bạn không thể lấy được thì sẽ có đơn trình bày lý do không cung cấp nộp kèm theo hồ sơ ly hôn gửi Tòa án.

Thứ hai, cấp lại chứng minh thư nhân dân đã mất

Theo quy định tại Nghị định số 05/1999/NĐ-CP về chứng minh nhân dân. Cụ thể:

Điều 6. Thủ tục cấp chứng minh thư nhân dân.

b) Đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân theo Điều 5 Nghị định này.

Đơn trình bày rõ lý do xin đổi chứng minh hoặc cấp lại có xác nhận của công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Xuất trình hộ khẩu thường trú;

Xuất trình quyết định thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;

Chụp ảnh;

In vân tay hai ngón trỏ;

Khai tờ khai xin cấp Chứng minh nhân dân;

Nộp lại Chứng minh nhân dân đã hết hạn sử dụng, hư hỏng hoặc có thay đổi nội dung theo quy định tại các điểm c, d, e Điều 5 Nghị định này.

Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì bắt buộc phải làm lại chứng minh nhân dân đã mất tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hiện tại. Trong trường hợp của vợ bạn do đã chuyển khẩu từ gia đình mẹ đẻ sang hộ khẩu gia đình bạn nên không thể quay về hộ khẩu (mẹ đẻ) để làm lại giấy chứng minh nhân dân được mà bắt buộc phải xin cấp lại tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hiện tại (theo hộ khẩu của gia đình bạn). Trừ trường hợp việc xin cấp lại là sau khi chuyển khẩu từ gia đình bạn trở về gia đình mẹ đẻ. 

- Quyền nuôi con sau ly hôn:

Với thông tin bạn cung cấp thì con bạn hiện nay mới được hai tuổi nên theo quy định pháp luật quyền trực tiếp nuôi dưỡng con được Tòa án ưu tiên giao cho người mẹ nuôi. Trường hợp, bạn muốn trực tiếp nuôi thì bắt buộc phải đưa ra được căn cứ chứng minh cho việc vợ bạn không có khả năng, điều kiện để chăm sóc con (khả năng kinh tế, lối sống...) trên cơ sở đó Tòa án sẽ xem xét để trao quyền nuôi dưỡng con cho bạn.

Trường hợp bạn muốn kéo dài thời gian đến khi con 3 tuổi để giành quyền nuôi thì chỉ có thể thỏa thuận với vợ bạn, nếu vợ bạn không đồng ý mà vẫn làm đơn ly hôn thì cũng không có cách nào giải quyết. Tuy nhiên, nếu tại thời điểm hiện nay vợ bạn được giành quyền nuôi con và khi con từ đủ 3 tuổi trở nên bạn vẫn mong muốn được giành quyền nuôi và chứng minh được khả năng về mọi mặt (vật chất, tinh thần..) hơn người vợ, vợ không còn đủ khả năng để trực tiếp nuôi con thì bạn có thể làm đơn yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng. Cụ thể, luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

...

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Thủ tục ly hôn và quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn đối với con dưới 36 tháng tuổi?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169