Mức phạt của tội cướp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự?
Nội dung tư vấn: Luật sư thân mến! Tôi là người bị hại trong vụ án cướp tài sản. Cụ thể: vào lúc 4h sáng, ngày 3.5.2017 trên đường đi làm, tôi bị 4 thanh niên chạy xe moto rượt theo và hung hăng đạp tôi té xe, trầy nát bàn tay phải và nát hai đầu gối. Sau đó chúng quay lại hỏi tôi té có sao không? Và tôi cứ nghĩ va chạm giao thông nên tôi hỏi "anh chạy xe gì dữ vậy, làm tôi té xe trầy tay chân, hư xe tùm lum" thì người đã hỏi tôi té có sao không đã chửi tôi "đụ má mày vẹt tao hay tao vẹt mày, tao cho mày nói lại" và lập tức người này đã vung tay đánh vào chấn thủy tôi (phần mềm dưới xương ức) đến nín thở, sau đó người này yêu cầu tôi đưa tiền nhưng do tôi không có tiền nên tôi nói với họ tôi không có tiền cho các anh, sau đó người này ra lệnh yêu cầu tôi đưa tiền cho anh ta, nếu không đưa anh ta sẽ đánh. Và lặp lại câu nói đó 2 lần, khi vừa dứt yêu cầu đưa tiền lần thứ 2, người này chửi tôi "đụ má, thằng này lì" và lập tức đâm dao vào ngực trái của tôi làm tôi bị thủng phổi, thấu tim gây mất máu nhiều, sau đó tôi có quỳ xuống khóc và van xin quỳ lại người đó tha cho tôi, nhưng anh ta vẫn cứ hung hăng xông tới định đâm tôi thêm nhiều nhát dao nữa, thì tên đồng bọn đi chung đã ngăn lại không cho đâm và cả hai nhào vô dùng gạch ống đập đầu tôi đến ngất, chúng tưởng tôi chết nên quay ra cướp xe, nhưng do xe hư chúng không dẫn xe chạy đi được và lúc đó có xe khách gọi đèn và bóp kèn, chúng sợ bị phát hiện nên đã cùng đồng bọn nhanh chân nhảy lên xe và tẩu thoát. Tôi được người đi đường phát hiện và chở vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng thủng phổi trái, thấu tim gây tràn dịch màng phổi, màng tim. Sau khi mổ cấp cứu chữa phổi và nằm viện 18 ngày tôi được chuyển lên bệnh viện để mổ tim do vết đâm làm đứt dây chằng van 2 lá, rách lá trước van 2 lá và hở van 2 lá nặng 3/4. Sau 23 ngày nằm viện điều trị tôi mới bình phục nhưng sức khỏe vẫn còn yếu. Bốn tên tội phạm đã bị công an bắt giữ và khởi tố vụ án, trong đó tên tội phạm đâm tôi 18 tuổi, từng có 1 tiền án tiền sự cướp tài sản, ở tù 2 năm và mới ra tù hồi tháng 2, và 1 người 24 tuổi, 2 người 17 tuổi. Nay tôi gửi email này đến luật sư để được tư vấn và hướng dẫn tôi để biết trình tự làm thủ tục tố tụng. Với thương tích của tôi thì các tên tội phạm sẽ chịu án hình phạt như thế nào? cao nhất là bao nhiêu? Và phải bồi thường tôi như thế nào? Trong trường hợp con nuôi phạm tội thì cha mẹ có chịu trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả hay chịu trách nhiệm liên đới hay không? Và nếu như người con nuôi đó không có tiền hay tài sản để bồi thường thì sẽ như thế nào? Còn trường hợp 2 người 17 tuổi thì sẽ xử như thế nào, có bồi thường hay không và chịu mức án hình phạt cao nhất là bao nhiêu? Chi phí thuê Luật sư để giúp tôi đòi lại quyền lợi cho tôi là bao nhiêu? Rất mong được Luật sư tư vấn và giúp đỡ .
Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh chúng tôi tư vấn như sau:
Trước hết, tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo đó, hình phạt chính của tội cướp tài sản là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Nếu thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;…thì có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Nếu thuộc trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Nếu thuộc trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; Làm chết người; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, có thể có một số hình phạt bổ sung đó là: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo như thông tin anh đưa ra thì không thể chắc chắn về mức phạt chính xác đối với người phạm tội là bao nhiêu nhưng theo quy định của pháp luật thì ít nhất là bị phạt tù 3 năm và nặng nhất là chung thân.
Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Bộ luật Hình sự. Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đối với mỗi tội phạm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Tù có thời hạn (Điều 98 Bộ luật hình sự 2015).
Ngoài ra, anh có thể được bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên, tại Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định:
Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Do đó, đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã có sức lao động sản xuất, có thể có công việc làm, phần nào đã hiểu được ý nghĩa hành vi dân sự của mình, tuy chưa hiểu biết đầy đủ, họ đã có một phần năng lực hành vi dân sự do đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do họ gây ra bằng thu thập hay tài sản của họ. Nếu họ bồi thường không đủ, thì cha mẹ (hay người giám hộ) phải bù phần còn thiếu.
Về vấn đề thuê Luật sư để giúp anh đòi lại quyền lợi, anh có thể liên hệ đến số điện thoại 024 6683 1212 để có thể được cung cấp thông tin chi tiết.
Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Hoa - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất