Nguyễn Thị Thùy Dương

Mua thuốc lắc để sử dụng, mang theo người có bị phạt tù không?

Ma túy là chất kích thích có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các tệ nạn xã hội. Một trong những dạng tồn tại phổ biến của chất ma túy chính là thuốc lắc. Đây là loại ma túy được rất nhiều đối tượng sử dụng, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên.

 1. Thuốc lắc là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định giải thích cụ thể về khái niệm “Thuốc lắc”. Trên thực tế, thuốc lắc là cụm từ thường được dùng để chỉ một loại ma túy tổng hợp hay được dùng tại các vũ trường, quán bar, …

Thuốc lắc hay ecstasy, tên khoa học là MethyleneDioxyl-MethamphetAmine (viết tắt: MDMA), là một dạng ma túy được chế tạo tổng hợp lần đầu tiên từ năm 1910, và 2 năm sau thuộc quyền sở hữu của công ty dược Merck (Đức) dưới dạng chất ức chế cảm giác thèm ăn. Những tên hiệu khác của MDMA là viên lắc, thuốc điên, viên chúa, viên hoàng hậu, max, ecstasy, mecsydes, kẹo v.v.

Trên thị trường hiện nay, thuốc lắc thường được sản xuất bất hợp pháp và bị pháp luật nghiêm cấm bởi mức độ ảnh hưởng của thuốc lắc đối với sức khỏe của con người là rất lớn.  

Mặc dù có thể tạo cho con người cảm giác hưng phấn bằng cách kích thích hệ thần kinh nhưng chính điều này cũng tạo ra trạng thái kích động và căng thẳng, gây mất ngủ triền miên, biếng ăn,... dẫn đến tình trạng suy kiệt đối với người sử dụng thuốc lắc. Bên cạnh đó, thuốc lắc cũng gây ra những rối loạn về tâm lý như lẫn lộn, trầm cảm, lo lắng và hoang tưởng. Tác hại của thuốc lắc đối với não cũng đã được cảnh báo. 

2. Mua thuốc lắc để sử dụng, mang theo người có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Căn cứ quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi mua thuốc lắc để sử dụng, mang thuốc lắc theo người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy nếu có đủ 04 dấu hiệu sau. Cụ thể như sau: 

2.1. Về khách thể của tội phạm: 

Tội tàng trữ trái phép chất ma túy xâm phạm trực tiếp đến các quy định của Nhà nước về quản lý các chất ma túy. 

Đối tượng của tội này là chất ma túy. Trong trường hợp này chính là thuốc lắc. 

2.2. Về mặt khách quan của tội phạm: 

Hành vi khách quan của tội phạm này là những hành vi như: cất giấu, cất giữ bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ đâu mà không nhằm mục đích để buôn bán hay sản xuất, vận chuyển chất ma túy. Tuy nhiên, những hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy;

- Đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy), 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy), 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy) và 252 (Tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Thuốc lắc (MDMA) có khối lượng từ 0,1 gam trở lên

Ngoài ra, trong trường hợp 02 chất ma túy trở lên thì sẽ tính tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó để truy cứu trách nhiệm hình sự. 

2.3. Về mặt chủ quan của tội phạm:

 Chủ thể thực hiện tội phạm tàng trữ trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội của mình với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. 

Chủ thể của tội phạm hoàn toàn nhận thức được hành vi đó là hành vi trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc dù không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra.

2.4. Về chủ thể của tội phạm: 

Chủ thể của tội phạm tàng trữ trái phép chất ma túy không phải là chủ thể đặc biệt. Tức là bất kỳ người nào đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và đủ năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy nếu hành vi phạm tội thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm mà mình thực hiện, bao gồm Tội tàng trữ trái phép chất ma túy. 

Như vậy, hành vi mua thuốc lắc để sử dụng, mang theo người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy nếu khối lượng thuốc lắc từ 0,1g trở lên hoặc hành vi mang tính chất tái phạm. Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi này phải là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. 

3. Xử lý hành vi mua thuốc lắc để sử dụng và mang theo người. 

Như nội dung phân tích ở phần trên, hành vi mua thuốc lắc để sử dụng và mang theo người không nhằm mục đích mua bán, sản xuất hoặc vận chuyển ma túy thì được coi là hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Hành vi này có thể bị xử lý như sau: 

3.1. Trách nhiệm hành chính 

Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 23, hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự (hành vi chưa thỏa mãn 04 dấu hiệu pháp lý của Tội tàng trữ trái phép chất ma túy) thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. 

Ngoài ra, người bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ số thuốc lắc và chất ma túy khác (nếu có). 

3.2. Trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp, hành vi mua thuốc lắc để sử dụng và mang theo người cấu thành Tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Cụ thể như sau: 

3.1. Khung hình phạt thứ nhất: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm 

Đây là khung hình phạt cơ bản đối với Tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Khung hình phạt này được áp dụng đối với hành vi phạm tội có cấu thành cơ bản (như phân tích tại phần 2) mà không có các tình tiết định khung trách nhiệm hình sự. 

3.2. Khung hình phạt thứ hai: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm

Khung hình phạt này được áp dụng đối với hành vi phạm tội có một trong những tình tiết tăng nặng định khung như sau: 

- Có tổ chức;

- Phạm tội 02 lần trở lên;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

- Thuốc lắc (MDMA) có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam. 

3.3. Khung hình phạt thứ ba: Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm

Khung hình phạt này được áp dụng đối với hành vi phạm tội mà thuốc lắc mua (MDMA) để sử dụng, mang theo người có khối lượng từ 30 gam đến 100 gam. 

3.4. Khung hình phạt thứ tư: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân

Đây là khung hình phạt nặng nhất đối với Tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Khung hình phạt này được áp dụng đối với hành vi phạm tội mà thuốc lắc mua (MDMA) để sử dụng, mang theo người có khối lượng từ 100 gam trở lên. 

3.5. Hình phạt bổ sung: 

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Lưu ý: Trong trường hợp mua, mang theo người 02 chất ma túy trở lên (bao gồm cả thuốc lắc) thì sẽ tính tổng khối lượng và thể tích của các chất đó để xác định hình phạt.

Như vậy, hành vi mua thuốc lắc để sử dụng và mang theo người có bị áp dụng hình phạt tù hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khối lượng thuốc lắc, tính chất tái phạm của hành vi, chủ thể thực hiện hành vi, … Chỉ trong trường hợp hành vi cấu thành Tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội phạm khác (nếu có) thì người thực hiện tội phạm  có thể bị áp dụng hình phạt tù. 

Trân trọng! 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169